Khi sở hữu một trang web, ai cũng muốn biết được hiệu quả của nó ra sao. Ví dụ như có bao nhiêu người truy cập hàng ngày, hàng tháng, hàng năm... họ truy cập vào những trang nào, làm gì... để từ đó chúng ta có kế hoạch nâng cấp hoặc vạch ra kế hoặc nhằm tăng hiệu suất chuyển đổi lượng truy cập thành doanh thu.
Trên thị trường hiện nay, về mảng web thì cái tên Google Analytics (GA) không còn quá xa lạ. Theo thống kê, GA luôn nằm trong "top" đầu về danh sách công cụ dùng để phân tích số liệu. GA rất mạnh mẽ, tuy nhiên để khai thác được hết sức mạnh đó lại không hề đơn giản.
2coffee.dev lựa chọn GA làm công cụ phân tích dữ liệu ngay từ những ngày đầu tiên. Nhờ có GA, tôi có thể nắm bắt được tình hình hiện tại để từ đó đưa ra những quyết định nên hành động gì tiếp theo. Tuy vậy, tôi không phải là một nhà phân tích dữ liệu chuyên nghiệp, tôi chỉ có thể xem được một vài báo cáo đơn giản, mà GA thì lại quá chuyên nghiệp. Dạo gần đây, tôi bắt đầu sử dụng thêm một số công cụ phân tích số liệu có xu hướng đơn giản hơn. Vì thế ngày hôm nay, tôi lại ở đây để chia sẻ cho bạn đọc về những điều tôi khám phá ra được trong quá trình này.
Đầu tiên là Google Analytics, đây là công cụ quá nổi tiếng rồi, là một sản phẩm của Google cho nên nó thu thập được rất nhiều thông tin hữu ích không chỉ cho riêng bạn mà còn cho chính họ.
GA là công cụ mà tôi tích hợp đầu tiên vào blog, ban đầu tôi định thu thập số liệu về người dùng trang web hàng ngày, xem có bao nhiêu người truy cập, họ truy cập vào những trang nào. Để xem họ có thích thú với nội dung đó hay không, rồi cho ra thêm bài viết có chủ đề tương tự.
Để nói về tính năng thì GA có rất nhiều. Một vài báo cáo mà tôi quan tâm như là người dùng hàng ngày là bao nhiêu, thời gian sử dụng, tỉ lệ quay trở lại, số người mới, họ vào trang web bằng cách nào và bài viết mà họ quan tâm. Ngoài ra, GA còn cho phép lưu lại một số sự kiện cần thiết cho việc phân tích số liệu như họ có bấm vào đâu không, họ thao tác vào thành phần nào nhiều nhất... Từ đó giúp tôi tối ưu hóa trải nghiệm cho trang web của mình.
Tuy vậy, GA hơi khó sử dụng cho người mới bắt đầu. Còn nhớ những ngày đầu tiên sử dụng, phải mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu các tính năng của nó. Phần vì giao diện có quá nhiều thứ, phần vì chưa hiểu hết công dụng của nhiều tính năng sẵn có.
Một điểm trừ nữa là GA có nhiều tranh cãi xoay quanh quyền riêng tư của người dùng. Nhiều trình duyệt mặc định chặn tất cả công cụ theo dõi nói chung hay GA nói riêng, cho nên đôi khi số liệu của GA thu thập được cũng không hoàn toàn đầy đủ và chính xác.
Posthog là một công cụ đa năng mà tôi có một bài viết tại Giới thiệu công cụ Posthog - thu thập dữ liệu người dùng dành cho các "kĩ sư". Posthog khá giống GA ở một khía cạnh nào đó như thống kê được bao nhiêu người dùng, lượt truy cập, các trang được truy cập, thời gian sử dụng và hỗ trợ ghi lại sự kiện.
Ngoài ra, vì là công cụ hỗ trợ phát triển sản phẩm cho nên Posthog còn có thêm một số tính năng nghiên cứu người dùng như Session Recording, Survey, A/B Testing và Data Pipeline...
Tôi sử dụng Posthog cho mục đích nghiên cứu hành vi người dùng trên trang web. Ví dụ như phân tích con trỏ chuột, khu vực tương tác, cách người dùng tương tác với trang web, hay kịp thời phát hiện lỗi giao diện để nhanh chóng tung ra bản "fix".
Posthog là một công cụ Opensource, tuy nhiên họ cho phép sử dụng miễn phí với giới hạn kèm theo trên Cloud của họ. Nếu bạn có một trang web với lượng truy cập lớn và muốn sử dụng thoải mái tính năng thì khả năng cao là bạn cần trả thêm tiền để mua thêm giới hạn. Ngoài ra Posthog cũng giống như GA, nó có thể liên quan đến quyền riêng tư của người dùng và bị chặn bởi nhiều công cụ tương tự.
Từ khi chuyển blog từ Self-host sang Cloudflare (CF) tại bài viết Hoàn tất chuyển đổi blog thành "Web is on the edge" thì tôi phát hiện ra CF còn hỗ trợ thêm tính năng phân tích số liệu.
Trong khi GA và Posthog thu thập số liệu thông qua một đoạn mã JavaScript gắn vào trang web thì đối với CF điều đó không phải là yêu cầu bắt buộc. Nếu tên miền sử dụng dịch vụ DNS của CF, mọi yêu cầu đến sẽ được CF nắm bắt đưa vào thống kê, cho nên các công cụ hay trình duyệt thông thường không thể chặn được. Hay nói cách khác, số liệu về người dùng và lượt truy cập của CF là chính xác hơn cả.
Tuy vậy, CF có màn hình thống kê tương đối đơn giản, không tùy biến mạnh mẽ được như GA hay Posthog. Cá nhân tôi sử dụng CF cho mục đích ngăn chặn lượng truy cập xấu là chính.
Search Console nói chung hay Google Search Console, Bing Webmaster... nói riêng là những công cụ hỗ trợ người quản trị web biết được tình tình SEO của website trên các công cụ tìm kiếm phổ biến.
Thông thường, để website được tìm thấy trên Google hay Bing, cần phải báo cho chúng biết thông qua công cụ thu thập dữ liệu mà chúng cung cấp: như Google là Google Search Console, còn với Bing là Bing Webmaster... Sau khi công cụ quét được hết dữ liệu trang web, chúng sẽ tiến hành phân phối nội dung đến người dùng khi họ tìm kiếm. Từ đó, các con số liên quan hết hiệu quả SEO được ghi lại.
Search Engine Optimization (SEO) là quá trình tăng chất lượng và lưu lượng truy cập website bằng cách tăng khả năng hiển thị của website cho người dùng trên các máy truy tìm dữ liệu như Google, Bing... Các con số mà tôi quan tâm bao gồm họ đến từ đâu, từ khóa nào đưa họ đến, có bao nhiêu người đến và một số thông tin quan trong khác. Tùy vào công cụ mà sẽ có thêm số liệu phân tích, chẳng hạn Google Search Console còn giúp theo dõi vấn đề của SEO không tốt, không quét được dữ liệu hay trải nghiệm tồi tệ của người dùng trong một số trang nào đó.
Simple Analytics (SA) là công cụ mới nhất mà tôi tích hợp vào trang web. Đây là một công cụ mất phí để sử dụng, tuy nhiên tôi may mắn được sử dụng miễn phí.
Simple Analytics có cách thu thập dữ liệu khá độc đáo, là một sản phẩm đến từ EU cho nên họ quan trọng hóa quyền riêng tư của người dùng. Dữ liệu thu thập được thông qua một số nguyên tắc nghiêm ngặt như không sử dụng Cookie, không thu thập địa chỉ IP... Ồ thế thì họ thu thập dữ liệu như thế nào?
Về vấn đề này, bạn đọc có thể tham khảo chi tiết tại Metrics - Simple Analytics Docs.
Đúng như cái tên của nó, SA có một màn hình thống kê tương đối đơn giản và "sạch sẽ". Công cụ giúp chúng ta xem được một số thông tin quan trọng như lượng người dùng, lượt xem trang, thời gian sử dụng, thiết bị, trình duyệt và quốc gia truy cập. SA cũng hỗ trợ thu thập và thống kê sự kiện, ngoài ra công cụ còn có tính năng AI - nói chuyện trực tiếp với AI để yêu cầu số liệu cụ thể.
SA tương đối đơn giản, tập trung vào quyền riêng tư của người dùng và dữ liệu thu thập được rất nhanh chóng gần như là "real-time". Quả là một công cụ rất đáng để trải nghiệm.
Bài viết trên đây là 5 cái tên phục vụ nhu cầu thu thập và phân tích dữ liệu mà tôi đang sử dụng để phát triển blog. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm thông tin tham khảo khi lựa chọn cho mình công cụ nào đó. Ngoài ra nếu bạn đang sử dụng một cái tên nào khác, hãy để lại bình luận để mọi người cùng biết đến nhé.
Tôi & khao khát "chơi chữ"
Bạn đã thử viết? Và rồi thất bại hoặc chưa ưng ý? Tại 2coffee.dev chúng tôi đã có quãng thời gian chật vật với công việc viết. Đừng nản chí, vì giờ đây chúng tôi đã có cách giúp bạn. Hãy bấm vào để trở thành hội viên ngay!
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới
Bình luận (0)