Tối ưu hoá hình ảnh trên web luôn là một vấn đề đau đầu vì nó chiếm khá nhiều thời gian tải trang và cả thời gian hiển thị trang web. ausi/RespImageLint là một công cụ được tạo ra nhằm giúp chúng ta giải quyết được phần nào vấn đề nêu trên. RespImageLint phân tích và chỉ ra một vài vấn đề thường hay gặp với hình ảnh, đồng thời đưa ra cả phương án giải quyết.
Cách dùng cũng khá đơn giản. Truy cập vào trang web có đề cập trong repo, Kéo ô "Lint Images" vào thanh Bookmark của trình duyệt rồi truy cập vào trang web muốn kiểm tra và bấm vào Bookmark vừa thêm.
Dàn Backer của Combinator (HackerNews) đang rục rịch ra mắt Cursor Killer hay Cursor alternative. Đặc biệt là nó nguồn mở & nhiều khả năng là miễn phí dựa trên Ollama hoặc bất kỳ LLMs cũng được hỗ trợ: Void.
Mọi người có thể bấm vào Get Access để chờ đợi lượt truy cập sớm vào editor này voideditor.com
Biết là R2 của Cloudflare làm được nhiều thứ rồi cơ mà nể thật chứ các ông còn chế ra serverless-registry để kết hợp với cả Workers tạo thành một registry lưu trữ Docker images nữa.
Rồi giờ đúng cái gì cũng serverless, serverless… 😤
Bây giờ đúng kiểu cái gì không build thì người khác build rồi. Anh em lập trình chắc hẳn nhiều lúc cần mockup data hoặc data giả để kiểm tra dữ liệu trên trang web hiển thị như thế nào, có đẹp hay không… Hôm nay mình cũng thế và tìm ra trang web DiceBear này cung cấp API để hiển thị ảnh avatar cố định hoặc ngẫu nhiên.
Ví dụ:
https://api.dicebear.com/9.x/notionists-neutral/svg?seed=random
Thay seed
bằng ký tự ngẫu nhiên để tạo ra các ảnh avatar khác nhau.
Vẫn là tôi trong công cuộc học cách tạo ảnh với AI. Trong quá trình đó tôi phát hiện ra trang web freeflo.ai rất tuyệt để bắt đầu. Tại đây bạn có thể tìm thấy rất nhiều phong cách ảnh kèm theo prompt để tạo ra ảnh đó. Chỉ cần sao chép lại và thay đổi một chút nội dung là tạo ra được ảnh gần giống như kiểu của ảnh mẫu. Gọi là gần giống vì còn phụ thuộc vào từng con AI tạo ảnh nào, ví dụ như Midjourney hay Dall-e…
Ngoài ra freeflo.ai còn cung cấp các bài hướng dẫn chi tiết về cách tạo ảnh trên Midjourney, Dall-e hoặc Firefly… Bạn đọc có thể vào và khám phá nếu muốn sử dụng thành thạo các công cụ này.
Sau hơn 2 tuần trải nghiệm Cursor Pro, trước đó thì mình đã dùng Tabnine, Github Copilot, Codeium, Continue.dev… và một vài công cụ AI khác để hỗ trợ lập trình thì có một số cảm nhận cá nhân như sau.
Tabnine thì là công cụ tự động hoàn thành mã (completions) có thể nói là sử dụng đầu tiên. Những cái tên còn lại khi đó còn chưa từng xuất hiện hoặc chưa phổ biến. Tabnine thời đó như là một bước tiến lớn để thay thế các lệnh gợi ý cứng nhắc của trình soạn thảo mã. Nó gợi ý hàm chuẩn hơn trong đa số trường hợp.
Ngay sau khi Copilot ra đời, mình đã trải nghiệm và thực sự cảm thấy sốc vì những gì mà nó làm được. Chỉ cần đặt con trỏ chuột xuống thôi là mã đã tự tuôn ra. Bên cạnh đó chúng ta còn có thể nhờ nó tạo mã bằng cách viết gợi ý. Nói chung là quá tốt.
Sau Copilot là Codeium - một công cụ hoàn toàn miễn phí mà có thể "cạnh tranh" trực tiếp với Copilot. Mình đã tạm ngưng sử dụng Copilot sau hơn 1 năm trời sử dụng để thử Codeium. Nhìn chung cách sử dụng nó khá giống Copilot. Với ưu điểm là miễn phí, còn lại trải nghiệm viết mã, gợi ý mã… thì theo mình thấy là chưa bằng Copilot.
Gần đây mình biết đến cái tên Continue và Cursor cùng một thời điểm. Song, Continue là một extensions có thể cài cắm vào VSCode thì Cursor lại đòi hỏi phải tải về cả editor riêng của nó. Lúc đó chưa biết Cursor là một bản fork từ VSCode nên mình đã sử dụng Continue trước.
Ban đầu chưa biết cách thiết lập nên cài xong chẳng thấy có tác dụng gì. Sau khi đọc tài liệu, họ hướng dẫn tích hợp từng con AI vào từng phần thì nó mới hoạt động "perfect" nhất. Continue có cách dùng khác hẳn với Copilot. Ngoại trừ việc tự động hoàn thành, thì các tác vụ như ra lệnh viết thêm mã thì thông qua prompt. Hoặc bôi đen vào phần cần ra lệnh để giải thích hoặc tối ưu hoặc sửa lỗi… Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Continue có vẻ khá chậm, các lệnh của nó mất nhiều thời gian để hoàn thành mặc dù mình đã cấu hình theo cách mà họ khuyến nghị 🤔
Cho đến khi dùng Cursor thì ù uây… nó ở cái tầm đã thực sự. Nó quét được cả codebase của mình để đưa ra gợi ý chính xác nhất. Cách sử dụng cũng khá giống Continue nhưng tốc độ phải nói là quá nhanh. Gợi ý mã hoặc tự động viết mã cũng rất chính xác và mình không cần phải sửa lại nhiều. Thay vì mất thời gian tìm kiếm trên mạng thì chỉ cần hỏi Cursor. Ngoài ra giải thích mã cũng là một tính năng hữu ích mà mình thường hay sử dụng.
Nhưng tóm lại, mỗi cái đều có ưu nhược điểm cả. Trong khi nhiều công cụ miễn phí thì những cái trả phí để đánh đổi lại trải nghiệm. Còn bạn thì sao? Có đang dùng trợ thủ đắc lực nào không và hãy để lại bình luận cho mọi người cùng biết nhé.
Hai ba hôm nay xử lý vụ FCM mà đau đầu quá mọi người ạ. Riết rồi không có tâm trạng để mà viết 🥺
Sáng nay mình mới nhận được email có quyền truy cập vào GitHub Models. Không biết mọi người phải đăng ký bao lâu mới được duyệt, còn mình thì đâu đó cả tháng kể từ lúc đăng ký vào danh sách chờ.
GitHub Models cho dùng thử các AI Models phổ biến hiện nay miễn phí. Được biết đây là cách mà họ hỗ trợ lập trình viên thử nghiệm các mô hình AI trước khi quyết định nên sử dụng mô hình nào tối ưu nhất.
dotenvx/dotenvx là thế hệ tiếp theo của thư viện dotenv khá nổi tiếng trong Node. dotenv được dùng để tìm nạp biến môi trường trong một tệp .env vào trong ứng dụng viết bằng Node.js. Còn dotenvx/dotenvx là một phiên bản mở rộng hơn khi nó hỗ trợ tìm nạp biến môi trường không chỉ trong Node mà còn cho nhiều môi trường khác như Deno, Bun, Python, Go, Rust… Hơn nữa, nó còn có cả cơ chế mã hoá hoàn toàn tệp .env rất mạnh mẽ.
Một cách để tăng tốc tải trang cũng như tăng điểm Web Vitals là trì hoãn tải xuống các đoạn mã JavaScript chưa quan trọng ngay lập tức. Các đoạn mã này ví dụ như Tracking hay Ads…
Cách mà mình thường làm là setTimeout
sau khoảng bao nhiêu giây đó thì mới bắt đầu gắn mã JS vào trang web. Đặt vào trong hàm mounted
của Vue.js hay useEffect
của react/preact… nói chung là trong các hooks báo hiệu trang web đã được render xong.
Ví dụ dưới đây là đoạn mã trì hoãn việc gắn quảng cáo vào trang web trong Fresh.
export default function ScriptAds() {
const addScriptAds = () => {
const script = document.createElement("script");
script.type = "text/javascript";
script.async = true;
script.crossOrigin = "anonymous";
script.src =
"https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js?client=ca-pub-7296743765862219";
document.getElementsByTagName("head")[0].appendChild(script);
script.onload = () => {
(window as any).adsbygoogle = (window as any).adsbygoogle || [];
(window as any).adsbygoogle.push({});
};
};
useEffect(() => {
setTimeout(() => {
addScriptAds();
}, 6000);
}, []);
return <></>;
}
Một tips dành cho các độc giả của 2coffee.dev là: Đăng nhập để loại bỏ quảng cáo 🎁🎉🥳
Bá đạo quá mọi người ạ, mới đây dàn Backer của HackerNews vừa ra mắt sản phẩm Mem0 - "mem-zero" để thêm một lớp bộ nhớ cho AI của các LLMs.
Mem0 ghi nhớ sở thích của người dùng, các thông tin mang tính cá nhân và liên tục cải thiện theo thời gian. Cho dễ hình dung, tưởng tượng cứ liên tục bổ sung thông mô tả về một người thì AI sẽ càng có "cái nhìn" sâu sắc hơn về người dùng theo thời gian. Từ dữ liệu đó, bạn có thể dễ dàng truy vấn ngược lại họ.
Mem0 hiện đang hỗ trợ rất nhiều models khác nhau, trong đó không thể không kể đến Ollama. Chà, lại có thêm cái để nghịch rồi 🫣
Vừa xem xong, lên luôn cho mọi người một cây hàng siêu tiện ích x-cmd.com
Đây như là một bản đóng gói tất cả tiện ích mà có thể bạn sẽ cần khi làm việc với những dòng lệnh.
Hoặc cũng có thể coi nó như là một gói mở rộng thêm sức mạnh cho những câu lệnh cơ bản.
Ví dụ ai cũng biết dùng top
để xem tài nguyên hệ thống đúng không? Nhưng x top
thì remake lại top
để hiển thị thông tin gọn gàng hơn.
Một lần nữa, tôi lại mang quảng cáo trở lại lên trang web rồi mọi người ạ. Nhưng lần này không dùng chế độ tự động nữa mà tôi chủ động chèn vào những vị trí mình muốn. Tôi đã bố trí một vài quảng cáo sao cho khoa học nhất có thể. Nếu thấy chỗ nào không phù hợp kính mong quý độc giả để lại bình luận cho tôi biết. Xin cảm ơn 🫡
Chính thức nghỉ lễ nhưng viết thì vẫn viết 🤓
Supabase mới có một bài viết In-Browser Semantic AI Search with PGlite and Transformers.js về sự kết hợp giữa họ với đội nhóm electric-sql để hướng dẫn tạo ra một chức năng tìm kiếm ngữ nghĩa ngay trên trình duyệt. Supabase thì quá nổi tiếng với nền tảng Postgres rồi còn electric cung cấp một giải pháp đồng bộ cơ sở dữ liệu local-first, mới đây là sản phẩm pglite chạy máy chủ Postgres trong trình duyệt. Sự kết hợp này cho thấy tìm kiếm vector không nhất thiết phải cứ triển khai ở trên máy chủ nữa. Sức mạnh của client tăng lên bội phần 😆
smashingmagazine.com là một trong số ít "tạp chí" có các bài viết đáng tin cậy, hữu ích và quan trọng hơn hết là thực tế dành cho các nhà thiết kế và phát triển web. Tại đây bạn sẽ tìm thấy được rất nhiều bài viết hữu ích của nhiều "cây code" nhưng mang tâm hồn của nhà văn. Bằng chứng thì thử đọc bài Designing Better Links For The Web | Smashing Magazine để thấy được sự tâm huyết trong một bài viết của họ.
Nhờ LLMs mà giờ đây các bên cung cấp hay là các công cụ mới ra dựa trên SQL đang cố gắng tích hợp thêm cả tìm kiếm vector vào dịch vụ của họ. Tìm kiếm vector đang được quan tâm nhiều hơn khi nó thể hiện rất tốt trong vấn đề tìm kiếm ngữ nghĩa, chứ không đơn thuần là tìm kiếm word-by-word hay fulltext nữa rồi 🤓
Mới đây 2-3 tháng còn kêu than không kiếm được cơ sở dữ liệu SQL nào ra hồn trên trình duyệt thì nay đã bị các pháp sư tát cho mấy cú đau điếng. electric-sql/pglite là một máy chủ Postgres chạy trong trình duyệt dạng WASM, đã thế còn hỗ trợ thêm cả pgvector để hỗ trợ tìm kiếm vector dành cho mấy mô hình AI đang nổi nữa chứ 😬
Thêm một trang web cho mọi người chọn được nút Loading ưng ý. Tại đây có rất nhiều mẫu tải trang độc lạ và hiện đại, không đụng hàng luôn https://uiball.com/ldrs/
Tôi đang trong giai đoạn nghiên cứu đến các mô hình embeddings để hoàn thiện tính năng tìm kiếm Embeddings | OpenAI
Không đi đâu xa, MoneyLover - ứng dụng quản lý tài chính cá nhân mà tôi đang sử dụng hàng ngày đã có "trợ lý ảo", giúp thêm giao dịch ngay trên trình duyệt luôn rồi á. Thế này thì đỡ phải mất công nhập trên điện thoại. Nhìn thế này cái chắc cũng biết là họ dùng mô hình LLMs để xử lý ngôn ngữ tự nhiên rồi. Các bạn cũng đã đọc bài viết mới nhất của tôi chưa Sử dụng miễn phí API tương tự OpenAI bằng Groq 🥳
Kể từ hôm nay, midjourney.com đã chính thức cho người dùng dùng thử tính năng tạo hình ảnh bằng dòng lệnh. Đâu đó mỗi người đăng ký mới sẽ được tạo cỡ 25 bức ảnh miễn phí trước khi quyết định xuống tiền. Midjourney là một mô hình tạo ảnh từ văn bản hết sức nổi tiếng, đây cũng là cơ hội cho những người chưa từng tiếp xúc với công nghệ này như tôi 😅. Dĩ nhiên tôi đã tranh thủ tạo mấy bức ảnh chú mèo xinh xắn như này đây. Ngoài ra cũng đang nghiên cứu để dùng nó tạo ảnh thumbnail cho bài viết, chắc sẽ thú vị lắm! Nhưng nói thế chứ để làm chủ được hình ảnh cũng phải mất một thời gian đấy 😤
Chắc là nhiều người đã nghe đến Github Copilot với chức năng tự động hoàn thành hoặc viết mã một cách ấn tượng. Thú thật là lần đầu sử dụng nó tôi đã rất sốc vì nó khác hẳn với nhiều công cụ tương tự mà đã dùng trước đó. Nhưng Copilot là mất phí, không phải ai cũng sẵn sàng xuống tiền. Tin vui cho bạn là Codeium - "trợ lý" giống Copilot nhưng hoàn toàn miễn phí. Bạn có trải nghiệm nó ngay bây giờ mà không lo về giá, vì họ hứa miễn phí mãi mãi.
Theo cảm nhận cá nhân, Copilot gợi ý và viết mã rất nhanh + chuẩn. Nếu Copilot 10 điểm thì Codeium nằm đâu đó 6-7 điểm, vì nhiều lúc công cụ gợi ý không đúng ý cho lắm. Nhưng dù sao thì đây vẫn là công cụ rất đáng để trải nghiệm. Codeium cũng có bản trả phí, sử dụng gpt-4 xịn hơn nhưng chưa có cơ hội thử 😅
squoosh.app là một trang web/thư viện trợ giúp nén ảnh. Mình đã sử dụng công cụ này để nén hình ảnh thumbnail cho bài viết. Điểm mạnh là nó hỗ trợ rất nhiều thuật toán nén cùng với tinh chỉnh đơn giản đến phức tạp.
Mấy hôm trước tôi đọc được bài viết How To Sell To Developers - Làm thế nào để bán cho Developer thì mới vỡ lẽ: hoá ra các ông Dev còn ít chịu chi hơn người dùng thông thường. Vậy nên để bán được cái gì đó cho họ là rất khó. Ngẫm lại bản thân thấy cũng đúng, tính ra số tiền bỏ ra mua phần mềm/dịch vụ không nhiều, chứa không phải là không chịu chi.
Như Copilot chẳng hạn, 10$ một tháng nhưng giá trị mà nó mang lại là rất lớn. Ngoài ra trước đó tôi cũng chi tiền để mua Youtube Premium, trả tiền duy trì máy chủ, sử dụng các dịch vụ API của LLMs… chẳng qua là bây giờ ít dùng nên cũng thôi không subs nữa. Hoặc tôi sẽ tìm những công cụ mã nguồn mở để thay thế.
Sử dụng mã nguồn mở thì phải chấp nhận đánh đổi, phải tự tìm hiểu, tự vận hành, tập trung vào tính năng hơn là trải nghiệm cho nên nhiều lúc thấy nó khó hoặc phức tạp để sử dụng. Còn một cái chí mạng nữa là chưa chắc nó đã ngon bằng phần mềm thương mại, đơn giản thôi cái gì thương mại thường phải đi kèm với chất lượng vì đó mới xứng đáng là điểm ăn tiền.
Tóm lại Dev vẫn chịu chi, nhưng chi cho những thứ mà họ thực sự cần vì tiền đâu mà chi cho tất cả mọi thứ trong thế giới subs này được 😅.
Các dự án/sản phẩm Open Source luôn có một cái gì đó rất cuốn hút. Giờ đây các hình ảnh dạng illustrations cũng không phải là ngoại lệ khi nó cũng sẵn sàng chia sẻ miễn phí đến cho người dùng. illlustrations.co là một ví dụ, bạn có thể tìm và sử dụng tất cả hình ảnh trên này. Ngoài ra contrauikit.com cũng là một wireframe kit hết sức hữu ích cho ai đang tìm một khung vẽ hiện đại để bắt đầu thiết kế ứng dụng.
Cảm giác dùng app của chính mình tạo ra thì như nào hả các bác? Rất gì và này nọ đúng không? Nhưng tuyệt vời hơn khi app mình được 1 bạn trong team CS sử dụng. Mặc dù thi thoảng bạn có "đòi hỏi" app dán được ảnh không, bôi đậm được không bla bla… Những cái đó tạm thời chưa có, chợt nhận ra mình đã bỏ bê opennotas quá nhiều 🫣
Xin lỗi, từ giờ t hứa ít nhất mỗi 2 tuần sẽ cập nhật m thường xuyên hơn nhé 🥹🙏💯
Vector Database đang có xu hướng nổi lên nhờ AI, còn đây là trang web tổng hợp & so sánh một số cơ sở dữ liệu hỗ trợ vector phổ biến https://superlinked.com/vector-db-comparison.
Vẫn là thời đại của AI, mới đây Supabase vừa giới thiệu một sản phẩm của họ là postgres.new. Nghe tên thôi cũng biết là liên quan đến cơ sở dữ liệu rồi đúng không? Chức năng chính của nó là tạo cơ sở dữ liệu theo yêu cầu. Điều đặc biệt là chỉ cần nói chuyện với nó như thể nói với một ông dev/devops, cần gì thì cứ bảo và nó sẽ lo hết phần còn lại. Xịn thật 😳
Không biết có bạn nào trong này thích các trình soạn thảo mã nhanh mà nhẹ không? Mình thì đang dùng VS Code là chính. Điểm mạnh của VS Code chắc là miễn phí & kho extensions đồ sộ. Rất nhiều nhà phát triển sẵn sàng làm thêm tiện ích mở rộng cho vscode để giới thiệu sản phẩm hoặc hỗ trợ lập trình viên thuận tiện trong việc tiếp cận sản phẩm của họ. Tuy nhiên theo tôi cảm nhận là VS Code ăn khá nhiều RAM, thi thoảng còn tràn cả bộ nhớ, mở vài cửa sổ thôi là hiện tượng giật lag xuất hiện. Thế nên cũng có nhiều lần muốn tìm một giải pháp thay thế nó.
Cho đến hiện tại https://zed.dev/ có lẽ là cái tên tiềm năng nhất: Rust base, nhanh, nhỏ, nhẹ… và quan trọng là cộng đồng vẫn đang rất tích cực phát triển! Tôi dùng thử Zed, cảm thấy thật tuyệt nhưng extentions lại khiến mình nản lòng bởi vì chưa có nhiều cái mình cần. Ngậm ngùi về với vscode. Nhưng vẫn mang một niềm tin mãnh liệt rằng zed sẽ phá vỡ thế độc quyền của vscode trong tương lai.
Ngoài zed ra thì trước đó tôi đã ấp ủ kế hoạch sử dụng vim, neovim… hay một cái gì đó liên quan đến vim để biến nó thành một trình soạn thảo mã. Ưu điểm thì khỏi bàn, phi môi trường luôn, "bù" lại thì cái nhược điểm lớn nhất có lẽ là phím tắt và 1 tỉ config. Nhưng mới đây cái tên Helix mới xuất hiện. Cũng Rust base, cũng nhanh, nhỏ, nhẹ và quan trọng là "zero config". Lần này tôi quyết tâm sẽ thực hành tử tế với nó 🙏.
Kết quả đã thấy rõ chỉ sau 1 tuần chuyển từ Nuxt sang Fresh. Nuxt vốn là một framework dựa trên Vue để kết xuất trang web dạng SSR, nhưng đang tận dụng SSG để hiển thị, và cho dù tối ưu đến mấy thì vẫn không thể giảm được điểm Core. Từ khi chuyển sang Fresh cái tự nhiên câu chuyện bẻ lái hẳn 🥲 (Ảnh đầu là Fresh, ảnh thứ là Vue) (À đừng nhìn vào cái số Visitor tăng vọt kia tại vì mình bị "đi đốt" 🥺)
Một công cụ cực kỳ hữu ích cho bạn nào hay dùng tunnel ssh ánh xạ port từ máy chủ về máy cá nhân để làm việc. Nếu chưa biết tunnel ssh là gì thì bạn đọc xem bài viết Lợi ích và những hạn chế khi sử dụng SSH Tunneling. Cách sử dụng SSH Tunneling.
Thật ra việc mở đường hầm qua lệnh ssh
là hết sức nhanh gọn nhưng có một số vấn đề như khi lâu lâu tự nhiên đường hầm sẽ bị lăn ra "chết", mất kết nối hoặc bạn nào thường xuyên chuyển mạng wifi thì sẽ thấy phiền toái khi cứ phải mở lại kết nối liên tục.
autossh là một công cụ thay thế cho ssh
để giữ đường hầm hoạt động mãi mãi mà không phải lo bị chết bất đắc kỳ tử nữa. Cách dùng cũng rất đơn giản vì lệnh nó tương tự như ssh
thôi, chỉ cần lưu ý thêm tham số -M
.
Ví dụ:
$ autossh -M 20000 -L 9200:elastic-search:9200 -N -f root@myserver
Mới đây Github đã cho dùng thử các AI Models phổ biến hiện nay miễn phí. Được biết đây là cách mà họ hỗ trợ lập trình viên thử nghiệm các mô hình AI trước khi quyết định nên sử dụng mô hình nào tối ưu nhất. Sau khi chọn được mô hình phù hợp thì nên trả tiền để đi vào sản xuất (production) bởi vì giới hạn họ cấp cho dùng thử rất ít. Ngoài ra, bạn cũng cần phải tham gia vào danh sách chờ để được sử dụng tính năng này: Prototyping with AI models.
Tôi đang làm một trang Portfolio, trong quá trình đó cần tìm một số hình ảnh "trừ tượng" để trang trí cho trang sinh động hơn một chút thì phát hiện ra trang web này tổng hợp rất nhiều sự lựa chọn 45+ Background Pattern Generators And Resources For Web Designers And Developers 😍
Chia sẻ cho mọi người một trang bản tin về System Design hết sức hữu ích là ByteByteGo Newsletter. Tại đây có rất nhiều bài viết ngắn gọn với hình minh hoạ rất sinh động về thiết kế hệ thống trong hệ thống thông tin. Ngoài lề không biết có bạn nào mua khoá học thiết kế hệ thống trên này chưa? Nội dung có hấp dẫn không ạ?
Bình thường gọi API của ChatGPT nó sẽ trả về dạng văn bản, nhưng mới đây OpenAI đã thêm tính năng phản hồi dưới dạng cấu trúc JSON rồi, giờ đây các dev có thể dễ dàng bóc tách dữ liệu hơn rồi nha 😇
drizzle là một thư viện ORM mới nổi dành cho JavaScript. Điểm mạnh của nó so với nhiều công cụ khác là nhẹ và tập trung vào hiệu suất. Điều mà mình tin chắc drizzle ăn đứt các orm khác là khả năng tái tạo lại các truy vấn gần với SQL nhất để cho hiệu suất tốt nhất. Ngoài ra đây là thư viện tiên phong hỗ trợ các cơ sở dữ liệu dạng serverless, cũng chính vì lý do đó mà khám phá ra được thêm rất nhiều cơ sở dữ liệu khác nữa tha hồ chọn 😆
Chia sẻ cho mọi người một công cụ mã nguồn mở làm bảng trắng cho chữ viết tay hoặc vẽ vời excalidraw. Dùng cái này cho OpenNotas thì ngon nhỉ 😙.
Hẳn là chúng ta còn chưa hết "bàng hoàng" khi vitejs đang được rất nhiều library/framework tích hợp vào làm build tools chính thì đã có một cái tên khác xuất hiện và hứa hẹn còn nhanh hơn cả vite, đặc biệt là nó còn tương thích với cả API của webpack. Không ai khác chính là rspack. Nghe nói công cụ này được ByteDance - công ty mẹ của Tiktok chống lưng đằng sau và họ phát triển toàn thời gian (fulltime) cho nên rất đáng để chờ đợi. Tôi có xem một video về cách hoạt động của rspack thì thông thường dùng vite, các bạn phải "save" lại, đợi tầm mấy trăm ms đến 1s thì nội dung được reload, riêng rspack thì các bác gõ đến đâu nó render luôn đến đó nha 😀???
Mới sáng ra đã được chia sẻ cách dùng thử llama 3.1 mới ra của FB. Cho các bác chưa biết thì llama 3.1 là mô hình ngôn ngữ lớn mới nhất của FB với hơn 405B tham số, đặc biệt nó hoàn toàn miễn phí. Theo các phân tích đánh giá thì nó một chính một mười với người anh em gpt4. Động thái này của FB đang làm nóng lên cuộc đua LLM khi một mô hình mở có thể cạnh tranh với mô hình đóng. Còn mình thì sáng đến giờ đang tranh thủ kiểm tra xem nó có trả lời tốt hơn ChatGPT hay không 😁. Trải nghiệm tại: https://sambanova.ai/
Chris Wanstrath - đồng sáng lập Github mới đây đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để tạo ra một trình duyệt hoàn toàn mới Ladybird. Chia sẻ về lý do, anh cho rằng thế giới đang bị sự thống trị của một trình duyệt "phục vụ cho mục đích quảng cáo" và không có gì đột phá (nghe đến đây chắc bạn đọc cũng biết là ai 😁). Với Ladybird sẽ mang đến một làn gió mới khi nó tập trung vào duyệt web và bỏ qua mọi thứ còn lại. Nếu mọi việc tiến triển đúng kế hoạch thì đến năm 2026 chúng ta có thể được trải nghiệm phiên bản Beta đầu tiên của trình duyệt này. Bài viết chi tiết: https://ladybird.org/posts/why-ladybird/
Có anh em thắc mắc là tại sao nhiều series/bài viết chỉ viết được mỗi 1-2 bài rồi dừng lại thì thông cảm cho mình nha. Mình đang theo kiểu viết ra nhiều chủ đề thường hay gặp phải hoặc thấy có ích cho bạn đọc rồi theo dõi sự quan tâm của mọi người thông qua lượt đọc bài viết. Nếu được hưởng ứng thì sẽ tiếp tục dành thời gian cho nó và ngược lại. Vì chỉ có một mình viết thôi á nên sẽ không tránh khỏi được điều này 🤧
Nếu bạn đọc đã nghe qua bài viết Giới thiệu công cụ Posthog - thu thập dữ liệu người dùng dành cho các "kỹ sư" - nhắc đến một công cụ thu thập thông tin để cải thiện chất lượng sản phẩm thì Microsoft cũng có một sản phẩm tương tự mà lại… hoàn toàn miễn phí: Clarity. Tôi chưa dùng thử vì lười chuyển, với cả Posthog vẫn đang quá thoải mái 😅
caniuse.com là một trang web rất hữu ích để tra cứu xem liệu một tính năng nào đó được hỗ trợ trên trình duyệt nào, với tỉ lệ bao nhiêu phần trăm, để giảm thiểu rủi ro người dùng không thể sử dụng được ứng dụng của bạn trên các trình duyệt cũ hơn. Trong quá trình làm OpenNotas tôi đã rất tích cực sử dụng trang web này vì có nhiều API mới hơn được tích hợp vào nó. Ví dụ để xem xem indexed DB hỗ trợ trên bao nhiêu trình duyệt thì: search=indexed 😁
Trước đây mình thường dùng thư viện joi để xác thực dữ liệu đầu vào. Gần đây biết thêm zod cũng làm được điều tương tự nhưng lại có nhiều ưu điểm hơn như: không gói phụ thuộc (zero dependency), nhỏ nhẹ và dễ sử dụng, ngày càng được nhiều công cụ khác lựa chọn tích hợp làm công cụ xác thực dữ liệu ngay từ ban đầu.
Vậy là OpenAI đã chính thức tung ra bản mẫu (prototype) cho công cụ tìm kiếm mới của họ, cạnh tranh trực tiếp với Google. Nghe đâu đó sau vụ này Google cũng đã bị "lụt" một vài cú đầu tiên. Tìm kiếm mà giờ đây còn hiểu được ngữ cảnh nữa thì chắc là sẽ bá đạo lắm đây. Công cụ tìm kiếm mới còn có khả năng trả lời tự nhiên kèm theo cả dẫn nguồn trích dẫn. Hy vọng họ sớm tung ra tài liệu để em tối ưu kết quả tìm kiếm cho trang blog này với chứ hiện tại 8-90% là nhờ vào bác Google rồi 🥺. https://openai.com/index/searchgpt-prototype/
Node.js đã có những bước đi đầu tiên để tiến tới hỗ trợ kiểu giống như là TypeScript: https://github.com/nodejs/node/pull/53725. Trong khi Bun, Deno… đã làm được từ rất lâu 😳😳😳.
Xin chào tất cả mọi người, đây là bài đăng đầu tiên của tôi về chuyên mục chia sẻ cá nhân. Tại đây sẽ liên tục cập những những bài viết ngẫu hứng hàng ngày của tôi. Hy vọng được sự quan tâm và đón nhận của mọi người.Xin cảm ơn! 🥳