Mang cà lê la

Mang cà lê la

Threads
  • Tuôi" để ý là cứ đợt nào ham đọc cái là lại lười viết, tuần nay tuôi đang đọc một lúc 3 cuốn, à phải là đọc 2 và nghe 1.

    Cuốn sách ám ảnh nhất đến thời điểm hiện tại: Đại dương đen - thuật lại 12 câu chuyện của 12 người mắc bệnh trầm cảm. Thần kinh vững, nhưng mới đọc 2 câu truyện đầu thôi mà cảm giác ngộp thở, bứt rứt thật khó tả 😰

    Câu chuyện tiếp theo đó thì mang lại cảm giác dễ thở hơn vì họ kiểm soát được bản thân. Nhưng sang tiếp câu chuyện thứ 4, thứ 5 thì lại như một có một bàn tay siết họng mình lại. Không thể nhắm mắt mà nghe được á, có gì đó rất đáng sợ.

    Một câu mà mình cảm thấy ám ảnh nhất là khi ba mẹ của người mắc trầm cảm luôn miệng hỏi tại sao con lại như thế mỗi khi sắp lên cơn và gào thét. Họ chỉ đành bất lực trả lời là "Làm sao mà con biết! Cũng giống như hỏi một người bị ốm là tại sao lại ốm? Làm sao mà biết được chứ! Có ai muốn đâu!".

    » Xem thêm
  • Mistral.ai là một công ty AI có trụ sở tại Pháp, được biết đến với nhiều mô hình ngôn ngữ lớn Mistral. Mới đây họ vừa ra mắt thêm một số mô hình có kích thước siêu lớn, siêu mạnh... Nhưng tạm khoan nói đến vì Mistral Chat cũng vừa được ra mắt với nhiều tính năng hay ho tương tự như Chat GPT mà lại miễn phí 😇

    » Xem thêm
  • Qwen2.5-Coder-32B đang là tâm điểm của sự chú ý khi điểm số của nó đánh bại cả GPT-4o hay kể cả là Claude Sonet 3.5. Điều đáng chú ý là nó là mã nguồn mở. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn hoàn toàn có thể kéo models về máy và chạy cục bộ dưới máy tính của mình. Nhưng...

    Để chạy được mô hình thì GPU máy tính phải đạt cấp độ quái vật. Cụ thể trong một bài đăng của người dùng thử nghiệm Qwen2.5-Coder-32B trên GTX 3090 thì tốc độ tối đa models cho ra nằm ở mức hơn 30 tokens/s.

    Hy vọng vài nữa sẽ có một bên như Groq hay SambaNova dựng lên để "kiểm thử" hiệu năng con chip của họ, và quan trọng hơn hết là cho anh em dùng "chùa" thì hay biết mấy 🫣

    Tham khảo: Qwen2.5-Coder-32B is an LLM that can code well that runs on my Mac

    » Xem thêm

Vấn đề

Chào các độc giả của 2coffee.dev, vậy là những cơn gió mùa mạnh hơn đã tràn về miền Bắc. Ai đi ra ngoài nhớ mặc thêm áo ấm, còn tôi thì như đang bị sốt lên vì chưa kịp phản ứng với thời tiết như thế này. Ngày hôm qua từ quê ra Hà Nội, quần đùi áo cọc tay giữa trời mưa phùn rét, balo chỉ có mỗi bộ đồ kèm theo một cái bình nước. Ủa mang bình nước về làm chi? À thì thật ra đó là chiếc bình đựng, kiêm bình pha cà phê của tôi.

Lật lại lịch sử mua hàng từ một sàn thương mại điện tử. Món đồ cà phê mà tôi mua đã cách đây hơn 3 năm. Vậy nhưng cũng chưa nói lên được điều gì vì tôi đã tập tành làm quen với bộ môn này từ trước. Ban đầu là dùng cà phê bột hoà tan, sau này đi làm mà ở ngay dưới sảnh có một quán cà phê chuyên rang hạt, hương thơm cháy khét của nó thôi thúc tôi chuyển sang cà phê phin sữa. Dần dần thôi không thêm sữa nữa thì thành đen đá. Cho đến bây giờ thì thứ cà phê tôi chơi đã "ở một vũ trụ" khác. Nếu còn nhớ, bạn có thể tìm thấy bài viết Review một số phương pháp pha chế cà phê mà tôi đã thưởng thức ở đây.

Tôi thích nhấm nháp một ly cà phê vào buổi sáng. Nếu như dậy sớm, nấu ăn rồi ăn sáng ở nhà, tranh thủ pha một cốc cà phê bằng phễu lọc. Mùi hương phảng phất từ khâu xay hạt cho đến khi chế nước vẫn chưa tắt, thôi thúc mình phải thật đều tay để ra được ly cà ngon nhất. Vào những buổi sáng chuyển mùa, trời se lạnh, ngồi xem tin tức, hớp một ngụm cà phê phải nói là nó đã... chữ a kéo dài.

Hoặc cũng có lúc tôi lại thích dùng một cốc capuchino. Sô cô la đắng quện với hương sữa béo luôn khiến mình phải ước rằng ngày mai hãy đến sớm hơn nữa đi. Nhưng công đoạn pha capuchino hơi cầu kỳ và tốn thời gian. Tôi không có máy pha cà phê điện, thứ tôi có đa phần là những chiếc máy hoạt động dựa trên cơ học, tức là cần có sức người. Nguyên lý hoạt động của chúng hết sức đơn giản, chỉ cần có nước nóng và hạt, vài thao tác bóp, nhấn... thì chỉ một lúc thôi là đã có cà phê để uống.

Ưu điểm của những chiếc máy như thế này là sự tiện dụng, nhỏ gọn, dễ mang theo, không cần cắm điện và hạn chế hỏng hóc về mặt điện tử, và giá cũng có vẻ "mềm" hơn nữa. Bù lại, phải rất kỳ công mới "chơi" được nó. Muốn ăn thì lăn vào bếp, bỏ thời gian ra nhiều hơn, điều chỉnh các thứ nhiều hơn, tốn sức nhiều hơn và phải dọn dẹp nhiều hơn nữa. Tuy vậy, nếu chịu khó, bạn vẫn có một ly cà chất lượng mà không hề thua kém bất kỳ cỗ máy đắt tiền nào.

Sau từng ấy năm, hạn chế của cách chơi này là có nhiều đồ lặt vặt, lỉnh kỉnh. Cũng không biết người khác cảm thấy như thế nào nữa vì khi bước chân vào giới cà phê, thì bạn đã vào vai một nhà "sưu tầm đồ cổ". Đồ thì nhiều mà cái gì cũng muốn, thành ra chẳng mấy chốc mà nhà nào cũng phải chưng nguyên một cái tủ để đựng đồ pha chế, linh kiện... Chẳng biết lúc nào sẽ dùng đến nữa nhưng kệ, thi thoảng cần là có mới đúng là châm ngôn của những người thợ săn chúng tôi.

Nếu pha ở nhà thì còn bày vẽ ra song rồi dọn dẹp, chứ mỗi khi cần đi ra ngoài thì ôi thôi! Phải mang theo cả đống thứ. Nào là cà phê, cân, kim, cối, khăn lau, rồi dụng cụ... Lúc pha lại hàng loạt thao tác cân đo đong đếm, xay hạt, nấu nước, pha chế, dọn dẹp... Nói chung là nghĩ đến mà mắc mệt. Nhưng kiểu gì thì kiểu vẫn phải làm, vẫn phải mang, vì thế mới có cà để mà uống.

Tôi có 2-3 cái túi dùng để đựng dụng cụ cần thiết mang ra ngoài. Tùy thuộc vào loại muốn uống mà dùng túi nào cho phù hợp. Còn không thì cứ nhét thẳng vào cái balo màu xanh ở đầu bài là tiện nhất. Đồ thì nhiều lắm nhưng đều có điểm chung là cần mang theo hạt, cân và cối. Chà, toàn những thứ chiếm diện tích và nặng nữa.

Vốn là một người thích sự gọn gàng. Chỉ vừa đủ chứ không nên thừa thãi. Tôi rất thích những món đồ chú trọng vào sự tiện lợi, đơn giản, không phức tạp và cầu kỳ. Nên đã nghĩ ra cách để làm sao để pha được cà phê nhanh nhất có thể. Ở nhà không nói, thích làm gì thì làm. Nhưng đi ra ngoài như đi chơi, đi về quê, đi công việc... thì việc pha cà phê nên đơn giản chỉ như pha một ấm trà.

Thực tế pha nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp. Nhớ lại "cỗ máy mini" Wacaco Nanopresso rất nhỏ gọn nhưng thao tác thì mệt thôi rồi. Tay cầm Flair Pro thì chất lượng đấy nhưng không thể xách cả vài cân đi đi lại lại được. Chiếc ấm Moka Pot cũng tiện đấy nhưng lại phải cần bếp đun. Chẳng lẽ đi hội thảo lại phải hỏi ban tổ chức rằng có bếp ga hay không 🤣. Vậy nên chiếc bình mà từ đầu tôi có nhắc đến là Pipamoka cũng đến từ nhà Wacaco.

Nguyên lý hoạt động của chiếc bình này hết sức đơn giản. Bình bằng inox cách nhiệt, bên trong có một ống nhựa để nhấc được ra khỏi bình. Người ra sẽ không nhấc hẳn ra từ trên mà phải xoáy, vì ống có gen nên khi càng xoáy, cái ống sẽ càng dâng lên cao. Ở trong ống là một hộp nhỏ đựng cà phê, đổ đầy cà phê vào bên trong đó, chế nước sôi vào bình rồi bỏ cái hộp vào trong từ từ cho nó chìm xuống. Đóng nắp lại rồi xoáy nhịp nhàng, nước sẽ xuyên qua chiếc hộp, từ trên xuống dưới để chiết xuất được ly cà thơm ngon. Về cảm nhận, Pipa có mùi vị giống với Pour Over đến 70-80%.

Với chiếc bình, chỉ mất 3-5 phút để có một cốc cà phê. Để không phải mang theo hạt, cân và cối, tôi đóng gói hạt xay sẵn vào từng gói nhỏ. Các sàn thương mại điện tử bán rất nhiều gói nhỏ đựng thực phẩm, đóng kín bằng máy hàn nhiệt, mua thêm một chiếc máy hàn nhiệt để đóng gói lại là được. Cách làm này có thể bảo quản được hương vị của cà phê sau khi xay ra trong thời gian đủ để trở về nhà.

Vậy là xong, trước khi ra khỏi nhà, xay hạt -> cho vào túi -> mang đi kèm với một cái cốc Pipa. Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể mua một chiếc bình đun nước để không còn nỗi lo về ấm siêu tốc nữa. Nước thì chắc chắn chỗ nào cũng có rồi và bạn biết không, cà phê sẽ ngon hơn khi dùng nước khoáng.

Đấy là cách mà tôi mang cà lê la. Chỉ với một chiếc bình, một ít nước nóng cùng với thời gian chuẩn bị cà từ trước là có thể thưởng thức được cà phê mọi lúc mọi nơi rồi. Còn bạn thì sao? Làm cách nào để mang cà lê la?

hoặc
* Bản tin tổng hợp được gửi mỗi 1-2 tuần, huỷ bất cứ lúc nào.
Author

Xin chào, tôi tên là Hoài - một anh Dev kể chuyện bằng cách viết ✍️ và làm sản phẩm 🚀. Với nhiều năm kinh nghiệm lập trình, tôi đã đóng góp một phần công sức cho nhiều sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng tại nơi đang làm việc, cũng như cho chính bản thân. Sở thích của tôi là đọc, viết, nghiên cứu... Tôi tạo ra trang Blog này với sứ mệnh mang đến những bài viết chất lượng cho độc giả của 2coffee.dev.Hãy theo dõi tôi qua các kênh LinkedIn, Facebook, Instagram, Telegram.

Bạn thấy bài viết này có ích?
Không

Bình luận (0)

Nội dung bình luận...