Chààà, lâu rồi tôi mới quay lại viết một bài viết về chủ đề phát triển bản thân. Lần này sẽ là series nói về chủ nghĩa cá nhân - Một trong những cách thức giúp tôi khai phá bản thân một cách tối đa nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Thực ra, những điều sắp nói dưới đây đều từ trong cuốn sách nổi tiếng mà tôi đã đọc được một thời gian, nó có tên là "Dám bị ghét" của tác giả KISHIMI ICHIRO & KOGA FUMITAKE. Nội dung cuốn sách là cuộc đối thoại của một chàng thanh niên với một vị "triết gia" xoay quanh vấn đề về cuộc sống của anh ta không được tốt đẹp như bao người khác.
Sau khi đọc xong và chiêm nghiệm lại, quả đúng là có nhiều điều đáng suy ngẫm trong cuốn sách này. Vì thế, tôi mạnh dạn được viết lại một vài ý chính trong cuốn sách này theo quan điểm cá nhân. Những điểm thích thú - mà tôi hay là bạn đọc cùng có thể suy ngẫm, thậm chí áp dụng được vào trong cuộc sống của mình.
Bài viết đầu tiên trong series này nói về vấn đề liệu quá khứ có ảnh hưởng đến hiện tại và cả tương lai? Nếu có, thì chắc hẳn những người bị sang chấn tâm lý mãi mãi sẽ không thoát ra khỏi được những ám ảnh trước đó. Nhưng thực tế, rất nhiều người vẫn vượt qua được, vậy thì họ đã làm như thế nào?
Hãy thử nhắm mắt lại và cố gắng đưa mình vào trạng thái "không ý thức", bạn có thể giữ được trong bao lâu? Đúng vậy, tôi đang nhắc đến thiền - một trạng thái đưa chúng ta vượt xa khỏi những suy nghĩ trong đầu. Với đa số người không học kĩ thuật này, mỗi khi nhắm mắt trong đầu xuất hiện hàng tá suy nghĩ ngổn ngang. Suy nghĩ những việc trong quá khứ, hiện tại và cả suy tính cho tương lai, nó cứ thế ập đến mà không thể nào kiểm soát được.
Trước kia tôi đã mắc phải vấn đề này. Là một người bi quan, tôi luôn nghĩ rằng mọi thứ thật tồi tệ với mình. Thậm chí có thời gian tôi không thể ngủ được và hình thành nỗi sợ giấc ngủ, dẫn đến suy nhược cơ thể. Nhưng may mắn là giờ đây, tôi đã có thể kiểm soát được suy nghĩ của mình thông qua quá trình tự học thiền.
Suy nghĩ mang lại cả sự lạc quan và bi quan cho chúng ta. Cùng một suy nghĩ nhưng có người luôn nhìn ra hướng tích cực, ngược lại có người lại chỉ nghĩ đến sự tiêu cực trong đó. Sở dĩ có điều này, theo tôi đó là do một phần vì tâm lý, một phần là do sự trải nghiệm. Khi mà kinh nghiệm sống của ta còn hạn chế, rõ ràng chúng ta không biết cách nào khác ngoài sự bi quan. Có thể ai đó sẽ nói với người bi quan là hãy lạc quan lên, vì lạc quan tốt lắm. Nhưng người bi quan thì đâu biết tốt là tốt như thế nào, họ chưa từng trải nghiệm nên với họ câu nói đó là vô ích.
Chúng ta đã quá quen thuộc với thuyết nguyên nhân dẫn đến kết quả. Nghĩa là một sự kiện trong quá khứ sẽ dẫn đến một kết quả tương ứng. Ví dụ, là vì tôi ngủ muộn nên tôi không thể dậy sớm, vì thời gian đi làm quá nhiều nên tôi không học thêm được bất kì điều gì khi về nhà nữa...
Nghe rất logic, thuyết nguyên nhân kết quả đã tồn tại từ rất lâu mà khó có ai có thể bác bỏ. Nói tóm lại, một việc này đã diễn ra thì ắt hẳn sẽ mang đến một điều gì đó. Gặp một biến cố lớn trong quá khứ nên tôi bị sang chấn trong thời điểm hiện tại, vì thế cả tương lai của tôi sẽ mãi mãi bị sang chấn.
Quá khứ có thể ảnh hưởng đến hiện tại, chỉ đúng nếu như bạn nghĩ vậy. Nếu biết rằng biến cố trong quá khứ mang lại nhiều phiền phức, cần phải vượt qua nó để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, nhưng lại dựa vào cớ "sang chấn" để tiếp tục sợ thì đó ắt hẳn là điều bạn đang muốn. Có thể "sang chấn" mang lại "lợi ích" gì đó cho bạn ở thời điểm hiện tại mà bạn không hề muốn vượt qua nó.
Ngược lại, bạn hoàn toàn có thể trở thành con người bạn muốn nếu vượt qua được rào cản của quá khứ. Chuyện qua rồi thì đã qua, tập trung vào hiện tại. Cuộc đời tiếp theo của bạn sẽ tiếp nối từ bây giờ, vì thế mỗi lựa chọn ngay lúc này mới là thứ quyết định đến tương lai.
Đối với tôi, cuộc sống vẫn tiếp diễn dù cho bạn có làm gì đi chăng nữa. Quá khứ đã qua và chẳng thể thay đổi được, tương lai là một thứ gì đó chưa chắc đã tồn tại mà nó chỉ được thêu dệt lên từ chính những lựa chọn ngay lúc này. Vì thế tôi rèn luyện cho mình khả năng tạm "quên" đi quá khứ, cuộc sống của tôi chỉ tiếp diễn từ lúc này và chỉ cần biết mình đang làm gì là đủ.
Nếu thế thì phải chăng tôi đang phủ nhận việc đặt mục tiêu trong cuộc sống? Đối với những người sống có kế hoạch, mục tiêu là thứ họ đặt ra để hướng đến, mục tiêu giúp họ đi xa và làm được nhiều hơn trong suốt hành trình của cuộc sống. Tuy nhiên, suy nghĩ cho hiện tại không có nghĩa là bác bỏ mục tiêu. Mà là tiếp cận mục tiêu theo một hướng "khác".
Thay vì đặt ra mục tiêu và hàng ngày nghĩ đến nó, chi tiết cách thực hiện, lo lắng tiến độ... thì hãy hành động ngay tại thời điểm này. Hành động của bạn lúc này mang ý nghĩa hướng đến mục tiêu, chỉ khác ở chỗ: thay vì suy nghĩ cho ngày mai, cho ngày kia... thì hãy hành động ngay tại hôm nay, những hành động của bạn dù ít nhiều, dần dần sẽ tiến tới mục tiêu trước đó.
Giống như một bài toán, luôn có nhiều cách giải, 1 + 1 = 2 nhưng một phép tính vô cùng phức tạp khác cũng có thể cho ra kết quả bằng 2. Dù là cách nào đi nữa, bạn vẫn sẽ đạt được mục tiêu. Chỉ có điều quá trình đó diễn ra như thế nào. Đơn giản hay phức tạp thì chỉ bạn mới khám phá ra được điều đó, muốn biết được nhiều cách hơn, buộc bạn phải mở "đầu" và đón nhận thêm từ người khác.
Thứ nhất, tôi không còn bị ràng buộc bởi quá khứ nữa. Có thể trong quá khứ, tôi từng bị ám ảnh một điều gì đó. Nhưng nếu biết rằng những lựa chọn ngay lại lúc này mới quyết định tương lai, thì tại sao phải bận tâm đến quá khứ nữa?
Thứ hai, ý thức được rằng hành động ngay lúc này để hướng đến tương lai. Quá khứ là những thứ đổ về trước, không thể thay đổi nó. Tương lai chưa chắc đã tồn tại, mà nó được tạo ra ngay tại đây, vào lúc này.
Thứ ba, mở ra tiềm năng không giới hạn của bản thân. Còn rất nhiều thứ trên thế giới này mà chúng ta chưa được trải nghiệm, hãy trải nghiệm càng nhiều càng tốt để biết rằng, không phải lối tư duy phổ biến nào cũng phù hợp với bản thân. Hành động theo số đông có nghĩa là đang sống theo cuộc đời người khác. Hành động theo ý mình mới là khó, vì nó sẽ đi ngược lại với đa số và dễ trở thành một người "kì quặc" trong mắt người khác.
Thứ tư, giải phóng tâm trí, phiền muộn, sống một cuộc sống đúng nghĩa. Chuyện hôm qua, hôm kia, hay thậm chí là ngày mai, ngày kia... đã xảy ra rồi hoặc chưa hề tồn tại. Vậy tại sao phải bận tâm? Sao không tập trung tâm trí để sống và hành động ngay tại đây, vào lúc này?
Còn nhiều điều khác nữa mà tôi có thể rút ra được từ việc không nhìn về quá khứ, hành động tại thời điểm này và tự xây dựng tương lai cho mình. Có thể nhiều người sẽ lấn cấn về những gì tôi nói hoặc thậm chí thấy kì cục, đáng bị "Sad" bài viết này thì không sao cả. Tôi nghĩ rằng, tôi từng trải qua khoảng thời gian như vậy cho đến khi tôi sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng mới lạ, là để trải nghiệm càng nhiều càng tốt, và nếu nó phù hợp với mình thì tại sao lại không giữ lại phải không.
Quá khứ có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hiện tại và tương lai, nhưng chỉ khi bạn "cho phép". Thay vì nghĩ về quá khứ để kết luận đến hiện tại mà bỏ qua nhiều cơ hội phát triển bản thân thì hãy hành động ngay bây giờ để quyết định tương lai của chính mình.
5 bài học sâu sắc
Mỗi sản phẩm đi kèm với những câu chuyện. Thành công của người khác là nguồn cảm hứng cho nhiều người theo sau. 5 bài học rút ra được đã thay đổi con người tôi mãi mãi. Còn bạn? Hãy bấm vào ngay!
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới
Xin chào, tôi tên là Hoài - một anh Dev kể chuyện bằng cách viết ✍️ và làm sản phẩm 🚀. Với nhiều năm kinh nghiệm lập trình, tôi đã đóng góp một phần công sức cho nhiều sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng tại nơi đang làm việc, cũng như cho chính bản thân. Sở thích của tôi là đọc, viết, nghiên cứu... Tôi tạo ra trang Blog này với sứ mệnh mang đến những bài viết chất lượng cho độc giả của 2coffee.dev.Hãy theo dõi tôi qua các kênh LinkedIn, Facebook, Instagram, Telegram.
Bình luận (0)