Bạn biết không viết blog là một trong những phương pháp hữu hiệu để rèn luyện và học tập, bởi viết blog yêu cầu người viết phải có một lượng kiến thức nhất định, hơn nữa họ phải trình bày ra cho người đọc hiểu. Thông qua đó bạn vừa học hỏi được thêm kiến thức, vừa ôn lại kiến thức và còn giúp đỡ những người khác thông qua bài viết của mình nữa.
Ưu điểm là nhiều nhưng liệu viết một bài blog thực sự có đơn giản? Viết blog thực sự khó khăn với tôi trong thời gian đầu. Tôi có kinh nghiệm về lập trình nhưng tôi không biết cách diễn đạt chúng sao cho rõ ràng và dễ hiểu. Dù có nhiều lần chán nản vì không biết phải viết như thế nào, viết ra sao nhưng tôi vẫn tiếp tục viết. Vì tôi tin nếu tập luyện đủ nhiều thì sẽ hình thành thói quen và kinh nghiệm. Bây giờ tôi thấy có vẻ mọi thứ đã dễ dàng hơn và tôi biết có những người mới bắt đầu viết blog sẽ phần nào gặp vấn đề giống tôi.
Trải qua một thời gian tập luyện, tôi đã đúc kết lại được một quy trình để cho ra một bài viết. Không có gì cao siêu nhưng hãy tin tôi nếu bạn làm từng bước từng bước bạn sẽ thấy nó cực kì dễ mà còn hiệu quả nữa.
Bước thứ nhất là chuẩn bị nội dung. Ở bước này các bạn sẽ tìm ra tiêu đề cho bài viết, chú ý tiêu đề rất quan trọng bởi vì tiêu đề quyết định đến nội dung của bài viết. Tiêu đề giúp bạn định hướng được lượng kiến thức bạn cần phải tìm hiểu và truyền đạt lại. Hơn nữa tiêu đề phải mang tính hấp dẫn, kích thích người đọc muốn đọc ngay lập tức.
Bước thứ hai là gạch đầu dòng các ý chính sẽ nói đến trong bài viết. Các ý chính cần tập trung làm rõ tiêu đề, để tránh đang nói vấn đề này nhưng lại lan man sang vấn đề khác.
Bước thứ ba là sắp xếp bố cục các ý chính. Thông thường bố cục của một bài viết thường sẽ là nêu vấn đề, giải thích các khái niệm, khai thác vấn đề (cách triển khai / cách thực hiện / cách khắc phục / ưu nhược điểm...), tổng kết.
Bước thứ tư là triển khai các ý chính thành các đoạn văn. Lúc này bạn có thể thoải mái viết theo mạch cảm xúc nghĩ được gì thì cứ viết sao cho nội dung triển khai được đầy đủ ý chính.
Bước thứ năm là thêm hình minh hoạ, thêm code... đây là những thứ làm bài viết trở nên sinh động hơn và trực quan hơn, thông qua hình ảnh hoặc mã người đọc cũng dễ dàng hình dung ra được giá trị của bài viết.
Tiếp theo là cần đọc lại bài viết, thêm thắt câu từ móc nối để bài viết diễn ra tự nhiên, hay loại bỏ những câu từ lủng củng lặp đi lặp lại đến khi nào bạn thấy ưng thì thôi. Đọc lại nhiều lần để xem bài viết có đạt được độ tự nhiên mà không bị lấn cấn hay bỏ sót chỗ nào hay không.
Cuối cùng là kiểm tra chính tả, dấu câu, định dạng bài viết đã được chưa để thể hiện sự chỉn chu và tâm huyết của bạn đặt vào bài viết.
Trong các bước này thì ngoài xác định được tiêu đề ra thì khó nhất là bước viết ra các ý chính và bước viết các ý chính thành văn. Tại sao? Tại vì đó chính là xương sống của một bài viết.
Ý chính trong một bài viết phải nổi bật và xuyên suốt. Các ý chính phải tập trung vào nội dung, tập trung vào làm rõ tiêu đề của bài viết, tránh lan man sang chủ đề khác. Một bài viết mang tính gói gọn là rất khó bởi vì có thể có rất nhiều thứ liên quan và nếu không làm rõ thì khó có thể truyền đạt được đầy đủ điều muốn nói trong bài viết. Nếu bạn gặp những tình huống như vậy thì mình có một lời khuyên là hãy giới thiệu phần kiến thức đó và dẫn đến liên kết tài liệu tham khảo. Sau này nếu bạn có thời gian viết về vấn đề đó thì hãy đặt lại liên kết.
Ví dụ một bài viết có tiêu đề "Node.js là gì?" thì những ý chính là gì?
Sau đó là bước triển khai các ý chính thành đoạn văn.
Hãy phân biệt ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Nói có thể nói nhanh và truyền đạt một lượng thông tin tương đối lớn, nói trực tiếp với người nghe khiến họ có khuynh hướng chắt lọc nội dung mà bạn muốn truyền đạt nhanh chóng, nếu có gì không hiểu người nghe có thể hỏi lại, tức là có sự tương tác trực tiếp để mang lại hiệu quả tối đa.
Nhưng ngôn ngữ viết mang hình thức truyền đạt nội dung thông qua chữ viết vì thế câu từ cần ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề, dễ đọc dễ hiểu. Hạn chế mang lối nói của ngôn ngữ nói vào viết bài, trừ khi bạn nghĩ rằng điều đó giúp cho bài viết trở nên thú vị hơn.
Lối hành văn còn phụ thuộc vào văn phong của mỗi người, văn phong là một thứ rất đặc trưng. Bạn đọc bài viết của tác giả A thì dễ vào dễ hiểu nhưng đọc bài viết của tác giả B thì lại thấy khó hiểu và lấn cấn đó là do cách truyền đạt nội dung của người viết.
Có người có văn phong hài hước (viết theo phong cách tấu hài, phim chưởng...) nhưng cũng có người mang văn phong nghiêm túc, câu từ chuẩn chỉ. Thậm chí có cả lối văn phong ma mị hay lối viết gạch đầu dòng, liệt kê... Hãy lựa chọn một lối viết mà qua đó bạn truyền đạt được thoải mái nhất, nhưng hãy lưu ý rằng văn phong là đặc trưng của bạn còn người đọc mới là người cảm thụ, hãy quan tâm đến feedback của người đọc để có thể rút ra những kinh nghiệm và điều lối hành văn của mình sao cho phù hợp.
Trên đây là những chia sẻ của mình khi từng bước viết blog, mặc dù không nhiều nhưng tôi hy vọng nó sẽ giúp ích cho những bạn muốn viết blog mà không biết bắt đầu từ đâu. Có những thứ khởi đầu sẽ gian nan nhưng hãy kiên trì cho đến khi mọi thứ đi vào khuôn khổ thì sẽ vận hành rất êm ái.
Còn bạn có lối hành văn như thế nào? Hay bạn là người đọc và thấy lối hành văn của mình ra sao? Hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé.
Bí mật ngăn xếp của Blog
Là một lập trình viên, bạn có tò mò về bí mật công nghệ hay những khoản nợ kỹ thuật về trang blog này? Tất cả bí mật sẽ được bật mí ngay bài viết dưới đây. Còn chờ đợi gì nữa, hãy bấm vào ngay!
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới
Xin chào, tôi tên là Hoài - một anh Dev kể chuyện bằng cách viết ✍️ và làm sản phẩm 🚀. Với nhiều năm kinh nghiệm lập trình, tôi đã đóng góp một phần công sức cho nhiều sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng tại nơi đang làm việc, cũng như cho chính bản thân. Sở thích của tôi là đọc, viết, nghiên cứu... Tôi tạo ra trang Blog này với sứ mệnh mang đến những bài viết chất lượng cho độc giả của 2coffee.dev.Hãy theo dõi tôi qua các kênh LinkedIn, Facebook, Instagram, Telegram.
Bình luận (1)