Ngày xưa đi học không biết có ai thắc mắc tại sao lại phải học môn cấu trúc dữ liệu và giải thuật không? Môn học cho chúng ta biết một số cấu trúc dữ liệu phổ biến như là danh sách liên kết (linked list) đơn - đôi, mảng, queue, stack.... Nhưng có vẻ như nó thật nhàm chán cho những ai đã biết và đang lập trình. Chưa kể hầu hết ngôn ngữ lập trình đều tự triển khai hoặc có thư viện hỗ trợ tất cả cấu trúc này, ấy vậy mà thầy cô vẫn yêu cầu chúng ta tự triển khai lại các cấu trúc này một cách thủ công.
Có lẽ mục đích thật sự đằng sau đó là muốn chúng ta hiểu về tầm quan trọng của cấu trúc dữ liệu. Thật vậy, rất nhiều ý tưởng, giải pháp được phát minh ra dựa trên chúng. Có thể kể đến là Message queue - một cấu trúc góp mặt trong thiết kế hệ thống phần mềm, nhằm tăng khả năng xử lý và giải quyết nhiều vấn đề phức tạp trong hệ thống phân tán.
Vài năm trở lại đây, khái niệm về hệ thống phân tán không còn quá xa lạ. Thay vì xử lý tất ở một nơi duy nhất thì chia nhỏ công việc ra để xử lý. Mỗi nơi xử lý một nhiệm vụ duy nhất, từ đó giúp cho hệ thống phân cấp rõ ràng hơn, năng xuất hơn và chịu lỗi tốt hơn.
Queue là hàng đợi, message queue là một hàng đợi tin nhắn. Một hàng đợi hoạt động theo kiểu vào trước ra trước (First In, First Out). Tưởng tượng như bạn có một cái ống nước đủ rộng để nhét những viên bi vào, thì cho có đổ tất cả các viên bi vào trong phễu ở một đầu, thì đầu kia vẫn chỉ lăn ra từng viên một theo thứ tự trước sau. Không thể nào có hai viên cùng lăn ra một lúc được, đó chính là một hàng đợi.
Trong hệ thống phần mềm, message queue là một cấu trúc quan trọng và được áp dụng rất nhiều bởi hệ thống phân tán. Vì thế, bài viết ngày hôm nay hãy cùng tôi đi qua một vài khái niệm cơ bản về cấu trúc này nhé.
Message queue là một khái niệm trong lĩnh vực phân tán hệ thống và lập trình đa luồng. Nó là một cấu trúc dữ liệu dùng để lưu trữ các thông điệp (message) trong một hệ thống phân tán.
Message queue thường được sử dụng để giao tiếp giữa các thành phần của hệ thống thông tin, cho phép chúng truyền thông điệp (message) cho nhau một cách bất đồng bộ. Thay vì gửi trực tiếp thông điệp từ một thành phần đến thành phần khác, các thành phần này gửi thông điệp vào message queue và các thành phần khác có thể lấy thông điệp từ message queue để xử lý.
Tại sao lại không gửi thông điệp trực tiếp mà phải thông qua một message queue? Có nhiều lý do, trong đó nổi bất nhất là để quản lý được thông điệp. Hãy tưởng tượng nếu gửi trực tiếp thông điệp đến một điểm đích không khả dụng thì sẽ như thế nào? Thông điệp có thể bị mất và hệ thống cũng chẳng bao giờ xử lý được thông điệp nữa.
Về cơ bản, message queue là một hàng đợi tin nhắn. Ngoài ra, để đưa thông điệp được vào hàng đợi và xử lý thông điệp thì cần phải có sự tham gia của nhiều thành phần. Sự kết hợp giữa chúng tạo thành một hệ thống xử lý hàng đợi tin nhắn hoàn chỉnh.
Tùy thuộc vào dịch vụ cung cấp message queue mà chúng có nhiều thành phần khác nhau. Nhưng về cơ bản, phải có ít 3 thành phần tham gia vào quá trình xử lý là Producer, Message queue và Consumer.
Producer (nơi gửi thông điệp) gửi thông điệp vào message queue: Producer là thành phần hoặc ứng dụng tạo ra thông điệp và gửi nó vào message queue. Thông điệp có thể là bất cứ loại dữ liệu nào, ví dụ: tin nhắn, tác vụ xử lý, sự kiện, hay yêu cầu.
Message queue là nơi lưu trữ thông điệp: Message queue lưu trữ các thông điệp được gửi bởi Producer. Thông điệp có thể được lưu trữ bền vững trong bộ nhớ hoặc trên ổ đĩa tùy thuộc vào cấu hình của message queue.
Consumer (nơi nhận thông điệp) lấy thông điệp từ message queue: Consumer là thành phần hoặc ứng dụng muốn nhận và xử lý thông điệp. Consumer yêu cầu lấy thông điệp từ message queue, sau khi nhận được thông điệp, consumer tiến hành xử lý nó theo logic của ứng dụng.
Quá trình này lặp đi lặp lại mỗi khi Producer gửi thêm thông điệp vào Message queue và Consumer lấy và xử lý các thông điệp. Sự bất đồng bộ giữa Producer và Consumer cho phép hệ thống hoạt động hiệu quả và linh hoạt, đồng thời đảm bảo tính tin cậy và khả năng mở rộng.
Message queue có rất nhiều ứng dụng trong các hệ thống phân tán và lập trình đa luồng có thể kể đến như:
Hệ thống xử lý dữ liệu theo thời gian thực: Trong các hệ thống xử lý dữ liệu theo thời gian thực, message queue được sử dụng để truyền tải dữ liệu từ các nguồn khác nhau đến các hệ thống xử lý. Các nguồn dữ liệu gửi thông điệp vào message queue và các hệ thống xử lý lấy thông điệp từ queue để xử lý dữ liệu một cách song song và bất đồng bộ.
Hệ thống đa luồng và bất đồng bộ: Message queue cho phép các thành phần trong hệ thống hoạt động độc lập và bất đồng bộ. Các thành phần có thể gửi thông điệp vào message queue và tiếp tục công việc của mình mà không cần chờ đợi phản hồi từ các thành phần khác. Điều này giúp tăng hiệu suất và khả năng mở rộng của hệ thống.
Hệ thống xử lý sự kiện: Trong các hệ thống xử lý sự kiện, message queue được sử dụng để gửi và nhận các sự kiện từ các nguồn khác nhau.
Giao tiếp giữa các dịch vụ: Trong kiến trúc dịch vụ phân tán, message queue được sử dụng để giao tiếp giữa các dịch vụ. Các dịch vụ gửi thông điệp vào message queue để yêu cầu hoặc truyền thông tin cho các dịch vụ khác.
Hàng đợi công việc: Message queue cũng được sử dụng trong các hệ thống hàng đợi công việc, nơi các công việc được gửi vào message queue, sau đó chúng được xử lý một cách lần lượt.
Hai cái tên nổi bật cung cấp cấu trúc message queue có thể kể đến RabbitMQ và Apache Kafka. Ngoài ra còn có một vài thư viện hỗ trợ triển khai message queue đơn giản dựa trên các dịch vụ khác như BullMQ, Kue, Agenda.
Thật khó hình dung những ứng dụng của message queue nếu không có ví dụ cụ thể. Thực tế công việc hàng ngày của tôi ứng dụng cấu trúc này thường xuyên. Có thể kể đến một vài trường hợp phổ biến nhất như sau.
Trong một hệ thống thương mại điện tử, message queue có thể được sử dụng để xử lý đơn hàng. Khi khách hàng đặt hàng, thông tin đơn hàng được gửi vào message queue. Hệ thống xử lý đơn hàng lấy thông điệp từ queue và tiến hành xử lý đơn hàng, bao gồm kiểm tra hàng tồn kho, xác nhận thanh toán và gửi thông báo vận chuyển. Việc sử dụng message queue giúp tách biệt quá trình đặt hàng và xử lý đơn hàng, đồng thời đảm bảo tính tin cậy và khả năng mở rộng của hệ thống.
Trong một hệ thống gửi email hàng loạt, message queue có thể được sử dụng để xử lý và gửi email. Khi người dùng yêu cầu gửi email, thông điệp email được gửi vào message queue. Hệ thống xử lý email lấy thông điệp từ queue và thực hiện quá trình gửi email, bao gồm tạo nội dung, thêm tệp đính kèm và gửi đi. Việc sử dụng message queue giúp xử lý email một cách bất đồng bộ và đảm bảo tính tin cậy trong việc gửi email hàng loạt.
Trong một hệ thống xử lý sự kiện thời gian thực, message queue được sử dụng để truyền tải và xử lý sự kiện. Các sự kiện này liên quan nhiều đến việc tổng hợp, phân tích thông tin của một hệ thống thông tin.
Sử dụng message queue để trao đổi thông tin giữa các dịch vụ trong hệ thống phân tán nhằm tăng khả năng xử lý và chịu tải, đảm bảo không ảnh hưởng đến tốc độ xử lý thông tin luồng chính.
Đây chỉ là một số ví dụ điển hình về việc sử dụng message queue. Thực tế, message queue có thể được áp dụng trong nhiều lĩnh vực và tình huống khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu và mục đích sử dụng của hệ thống.
Xin chào, tôi tên là Hoài - một anh Dev kể chuyện bằng cách viết ✍️ và làm sản phẩm 🚀. Với nhiều năm kinh nghiệm lập trình, tôi đã đóng góp một phần công sức cho nhiều sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng tại nơi đang làm việc, cũng như cho chính bản thân. Sở thích của tôi là đọc, viết, nghiên cứu... Tôi tạo ra trang Blog này với sứ mệnh mang đến những bài viết chất lượng cho độc giả của 2coffee.dev.Hãy theo dõi tôi qua các kênh LinkedIn, Facebook, Instagram, Telegram.
Bình luận (0)