Tôi biết rằng, có nhiều người mặc dù biết là mình cần phải làm điều gì đó, nhưng cuối cùng lại không làm mặc dù bản thân hoàn toàn muốn. Ví dụ, vừa khi sáng muốn buổi tối sẽ đọc sách, học tiếng Anh, phát triển dự án cá nhân... nhưng khi về đến nhà thì không buồn làm nữa, mặc cho lúc ra quyết định thì khí thế hừng hực ngỡ như mình có thể làm ngay lập tức. Để rồi lại tự an ủi mình rằng, sang ngày hôm sau sẽ bắt đầu nhưng mọi chuyện có vẻ vẫn không khá lên được.
Cũng có trường hợp, đã ngồi được vào bàn làm việc rồi nhưng tự nhiên lại đi làm một việc khác chẳng liên quan: thấy cái bàn bẩn nên lau dọn, thấy cái máy tính đầy bộ nhớ thế là ngồi xóa file, thấy x rồi lại làm y... mà quên mất nhiệm vụ chính của mình.
Dù thế nào đi nữa, dường như những điều bạn làm đang đi ngược lại với những gì bạn muốn. Tại sao lại như vậy? Có phải chỉ mỗi bạn mới mắc vào tình huống này hay không? Nhưng với những người khác, tại sao họ lại làm việc hăng say như vậy được cơ chứ?
Đó chẳng qua là bạn chưa thực sự "tập trung" làm việc mà thôi. Nhiều người nghĩ tập trung vốn là yếu tố bẩm sinh nhưng hoàn toàn không phải. Bạn có thể trở thành một bậc thầy tập trung nếu như biết cách rèn luyện. Nhưng trước khi bước vào giai đoạn tập trung, bạn cần phải duy trì được sức mạnh ý chí!
Suối nguồn của sự tập trung là nằm ở thùy trán. Thùy trán của con người là nơi kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc, nó chịu trách nhiệm cho tư duy và sáng tạo. Trong quá trình tiến hóa, thùy trán của con người dần lớn hơn và có được sức mạnh mà các loài động vật khác không hề có.
![cấu tạo não người](suc-manh-y-chi-nghe-thuat-tap-trung-danh-cho-cac-developer_cau-tao-nao-nguoi =600x315)
Sức mạnh ý chí lúc này giống như thể lực của thùy trán. Nếu bạn phải suy nghĩ quá nhiều hoặc thể hiện cảm xúc thường xuyên, thùy trán sẽ phải hoạt động nhiều kèm theo sự tiêu hao của ý chí, đồng thời khả năng tập trung bị giảm sút. Nhưng rất may, sức mạnh ý chí có thể phục hồi thông qua giấc ngủ hoặc bằng một số phương pháp khoa học khác.
Trong thực tế, nếu bạn cảm thấy mình không tập trung làm việc được có phải là đang suy nghĩ về một vấn đề khác hay không? Hay là đang làm việc bỗng thấy màn hình điện thoại sáng lên và trong đầu với các sự lựa chọn mình có nên cầm điện thoại lên xem không. Thậm chí, gặp phải những công việc quá khó khiến bạn mất bình tĩnh mà bộc lộ cảm xúc giận dữ thì khả năng tập trung có còn như trước?
Trước đây tôi thường xuyên gặp phải những tình huống như vậy. Nhưng may mắn tôi phát hiện ra và tìm các phương pháp khắc phục cho mình. Nếu bất chợt suy nghĩ điều gì đó có thể tôi sẽ dập tắt nó ngay lập tức hoặc nếu vấn đề đơn giản thì đưa ra câu trả lời ngay lúc đó. Để xa điện thoại khỏi tầm tay trong giờ làm việc. Thực tế, điện thoại của tôi luôn đặt ở chế độ không làm phiền. Ngoại trừ cuộc gọi đến thì các thông báo thông thường không bao giờ làm tôi phân tâm. Nếu gặp vấn đề khó, thay vì giận dữ tôi sẽ dừng lại thoải mái đầu óc đến khi nào tâm trạng trở lại bình thường...
Bộ não sinh ra không nhằm mục đích cho sự tập trung. Nhớ lại thuở xa xưa, môi trường sống đầy dẫy nguy hiểm rình rập, buộc tổ tiên chúng ta phải cảnh giác mọi lúc mọi nơi. Thời đại ngày nay chúng ta vẫn còn kế thừa khả năng đó. Chính vì thế bạn không thể tập trung cả ngày hay trong một khoảng thời gian dài được, thay vào đó hãy chia nhỏ thời gian để tập trung. Bạn đã nghe đến phương pháp "Pomodoro" chưa, đại loại đó là quy trình làm 25 phút, nghỉ 5 phút. Có nghĩa là hãy tập trung và giới hạn bản thân làm xong một việc trong vòng 25 phút, sau đó dừng lại và nghỉ ngơi 5 phút rồi tiếp tục lặp lại. Ngoài "Pomodoro" ra còn nhiều phương pháp chia thời gian khác, nhưng đều chung nguyên lý là tập trung trong thời gian ngắn xen kẽ với nghỉ ngơi.
Thời gian càng ngắn hiệu suất làm việc càng cao. Hãy thử đặt giới hạn thời gian cho một nhiệm vụ bất kỳ mà bạn đang có rồi tập trung làm nó xem, bạn sẽ đạt được kết quả ngoài mong đợi đấy.
Sức mạnh ý chí có thể rèn luyện để tăng thêm hoặc sử dụng tiết kiệm đi. Tưởng tượng sức mạnh ý chí như thanh HP của nhân vật trong game, HP là chỉ số sức mạnh của nhân vật, HP có thể tăng thêm nếu nhân vật lên cấp, tiêu hao khi sử dụng đòn mạnh. Nếu không phung phí HP để đánh những con quái nhỏ thì lượng HP dồi dào còn lại sẽ phục vụ cho việc bạn đánh một con Boss.
Để tăng sức mạnh ý chí, tôi có một vài phương pháp. Nhưng đơn giản nhất là hãy để ý đến dáng ngồi làm việc của mình. Bạn biết dáng ngồi chuẩn dành cho người hay ngồi máy tính chứ? Hình dung đơn giản nhất là hai chân song song chạm đất, khuỷu tay đặt trên mặt bàn, lưng thẳng đầu hơi cúi. Hãy thử ngồi giống họ xem bạn giữ được tư thế đó trong bao lâu?
![chú mèo ngồi máy tính](suc-manh-y-chi-nghe-thuat-tap-trung-danh-cho-cac-developer_chu-meo-ngoi-may-tinh =1200x900)
Nếu bất giác nhận ra mình vừa thay đổi tư thế như rung đùi, chân bắt chéo, tay chống cằm, lưng gù... thì ngay lập tức điều chỉnh lại về đúng tư thế. Việc này tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng khó, nhưng kết quả của bài tập này rèn luyện cho bạn khả năng tập trung không tưởng. Sở dĩ vì não phải liên tục chú ý đến dáng ngồi và đưa ra những điều chỉnh, từ đó tạo ra phản xạ cho sự tập trung không điều kiện.
Tiết kiệm sức mạnh ý chí cũng là một bài toán cần thời gian để có lời giải. Một quy tắc vàng đó là hãy tiết kiệm sự lựa chọn. Mỗi khi đắn đo để đưa ra quyết định một điều gì đó, bạn đang tiêu tốn sức mạnh ý chí của mình. Nó giống như việc phung phí HP để đánh quái nhỏ vậy. Hãy để ý, có phải mỗi sáng thức dậy bạn cảm thấy thoải mái khi chưa kịp suy nghĩ gì, nhưng chỉ vài giờ sau đó lại trở nên mệt mỏi vì trong đầu ngập tràn câu hỏi về các sự lựa chọn: Mặc gì đây? Sáng ăn gì đây? Đi đường nào lên công ty? Đường có tắc không? Trưa ăn gì?...
Nếu trả lời được câu hỏi ngay lập tức mà không cần đắn đo, bạn đang tiết kiệm được sức mạnh ý chí. Ngược lại, các câu hỏi đó cứ lặp đi lặp lại trong đầu mà bạn chưa thể ra quyết định thì sức mạnh ý chí đang bị tiêu hao nghiêm trọng. Thử hỏi sao mà bạn có thể tập trung cho việc khác?
Tôi tiết kiệm sức mạnh ý chí bằng cách: những chiếc áo đi làm chỉ có hai màu trắng và đen, quần thì tất cả đều tối màu, chúng đều có kiểu dáng tương tự nhau, vì thế tôi không cần phải suy nghĩ hôm nay mặc gì, chỉ cần hôm nay mặc màu trắng, ngày mai là màu đen... bữa sáng cũng thế, nếu được lựa chọn ba món bánh bao, bánh mì, mì tôm thì theo quy tắc xoay vòng khỏi cần nghĩ ngợi gì nhiều. Tóm lại tôi tìm cách để nhanh chóng ra quyết định cho những lựa chọn đơn giản như vậy.
Quyết định nào rời lại được nhưng sau cùng vẫn phải làm thì hãy làm ngay lập tức. Ví dụ như ăn cơm xong, thay vì suy nghĩ nên rửa bát luôn hay không thì hãy rửa ngay và luôn. Có nên ngồi vào bàn làm việc để học tiếng Anh hay không thì tất nhiên tự động ngồi vào ngay và luôn.
Bên cạnh việc rèn luyện và tiết kiệm sức mạnh ý chí. Phương pháp phục hồi và bổ trợ cũng rất quan trọng. Bạn có thể dùng thêm các loại thực phẩm để tăng cường sự tập trung như cà phê, sữa chua và các loại hạt. Hãy nhớ, não không được tạo ra để dễ dàng tập trung. Chia nhỏ thời gian tập trung và nghỉ ngơi hợp lý. Ví dụ tập trung trong vòng 15 phút, 20 phút... sau đó nghỉ ngơi 5 phút và tiếp tục.
Quả thật mà nói, những điều tôi trình bày trên đây chỉ đọc cho vui và mang ý nghĩa tham khảo là chủ yếu. Có người đọc xong cảm thấy ngờ vực vì toàn nói điều hiển nhiên, ai chẳng biết phải làm như nào thì mới có kết quả. Tôi không phủ nhận suy nghĩ đó, chỉ có điều, tôi đã kiểm chứng và thấy cách cách trên hiệu quả, hơn nữa kiến thức là từ trong sách ra. Nếu có điều kiện bạn đọc có thể tham khảo cuốn "Nghệ thuật tập trung" của một nhà tâm thần học Daigo.
Có một câu ngạn ngữ tồn tại từ lâu: "Có thể đưa con ngựa ra tới tận bờ sông nhưng không thể bắt nó uống nước, nó chỉ uống khi khát". Nó mang hàm ý không ai có thể bắt bạn làm theo ý, mà chỉ đưa ra được chính kiến và lựa chọn theo hay không là phụ thuộc hoàn toàn vào bạn.
Bí mật ngăn xếp của Blog
Là một lập trình viên, bạn có tò mò về bí mật công nghệ hay những khoản nợ kỹ thuật về trang blog này? Tất cả bí mật sẽ được bật mí ngay bài viết dưới đây. Còn chờ đợi gì nữa, hãy bấm vào ngay!
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới
Xin chào, tôi tên là Hoài - một anh Dev kể chuyện bằng cách viết ✍️ và làm sản phẩm 🚀. Với nhiều năm kinh nghiệm lập trình, tôi đã đóng góp một phần công sức cho nhiều sản phẩm mang lại giá trị cho người dùng tại nơi đang làm việc, cũng như cho chính bản thân. Sở thích của tôi là đọc, viết, nghiên cứu... Tôi tạo ra trang Blog này với sứ mệnh mang đến những bài viết chất lượng cho độc giả của 2coffee.dev.Hãy theo dõi tôi qua các kênh LinkedIn, Facebook, Instagram, Telegram.
Bình luận (1)