Không biết bạn đọc có giống tôi không. Mỗi khi đọc được bài viết hoặc xem video nào mà thấy xuất hiện một công cụ có vẻ hay hay ở đó là y như rằng lên mạng tìm xem nó là gì, làm được gì, mình có sử dụng được hay không... Tự đặt câu hỏi xong đi tìm câu trả lời. Nhiều lúc không hiểu tính ứng dụng hoặc chưa nhìn ra được lợi ích của nó thì bỏ qua. Nhưng nếu vô tình thấy lại thì cái tính tò mò xuất hiện trở lại và thế là thực hiện lại chuỗi công việc như trước.
Tôi rất thích các ứng dụng công cụ dòng lệnh (CLI) vì tính tiện ích của nó. Thay vì bấm thì chỉ cần gõ. Ngoài ra điểm mạnh của nó thể hiện rõ nhất thông qua khả năng tự động hoá hoặc để cho các chương trình khác gọi. Chỉ cần viết một hàm sử dụng spawn
trong Node.js là đã có thể tương tác được với chúng. Ngoài ra CLI còn có nhiều cái tăng năng suất làm việc cho mình.
Tmux là một ứng dụng hội tụ cả 2 yếu tố ở trên. Tmux xuất hiện ở khá nhiều nơi trên mạng. Tôi không nhớ lần đầu biết cái tên này từ lúc nào nhưng hẳn là đã rất lâu. Còn nhớ khi đó vào đọc tài liệu của nó thì không hiểu cái gì hết. Xem hướng dẫn sử dụng trên Youtube thì thấy họ dùng nhoay nhoáy, gõ lệnh ầm ầm nhưng mà mình thì vẫn không hiểu cái gì hết. Nhiều người khen Tmux và rất nhiều người dùng nó. Ấy thế mà đành bó tay!
Mãi một thời gian sau, anh CTO có "trình diễn" cho tôi xem một vài lợi ích của Tmux. Quào! Quả là nó lợi hại thật mà bấy lâu nay mình không biết. Nhưng cũng phải nói nhờ có anh mà tôi mới mở mang được tầm hiểu biết. Vì thế hôm nay tôi xin phép chia sẻ nó đến cho bạn đọc.
Tmux là gì? Tmux là một bộ ghép kênh đầu cuối. Nó cho phép bạn dễ dàng chuyển đổi giữa nhiều chương trình trong một đầu cuối (terminal), tách chúng ra (chúng vẫn chạy ở chế độ nền) và gắn lại chúng vào một đầu cuối khác 😆. Nghe hết hồn đúng không? Chẳng hiểu gì hết! Bảo sao hồi xưa có đọc cũng không hiểu là đúng.
Vậy để dễ hình dung hơn. Bạn cứ tưởng tượng Tmux là một ứng dụng. Khi cài vào máy, nó tạo một máy chủ (server) và một máy khách (client). Máy chủ có nhiệm vụ quản lý các cửa sổ terminal, còn máy khách cung cấp lệnh (cli) giúp chúng ta tương tác với với các terminal đó. Ủa sao phức tạp thế chi? Tôi bật một cửa sổ Terminal lên là xong rồi mà!
Sự khác biệt nằm ở chỗ server của Tmux đóng vai trò quản lý cửa sổ terminal, nên không bị ràng buộc với một bảng điều khiển (console) nào. Nhiều phiên terminal có thể được tạo trong một phiên tmux duy nhất. Nói vậy có nghĩa là bạn có thể gắn các phiên terminal vào một bảng điều khiển bất kỳ nào đó. Lấy ví dụ, bạn có nhiều ứng dụng terminal như Terminal mặc định của hệ điều hành, iterm2, alacritty... bạn có thể chuyển đổi phiên tmux từ cái này sang cái khác mà chẳng cần phải bận tâm gì nhiều.
Tmux giúp chạy tác vụ nền mà không cần giữ cửa sổ terminal mở. Nếu mở ứng dụng Terminal bình thường, thực hiện một lệnh nào đó đang chạy mà lỡ tay thoát thì coi như lệnh cũng "bay màu" theo. Nhưng với Tmux thì không. Nó vẫn giữ cho tác vụ chạy nền, miễn không phải là chủ ý tắt.
Hãy nhớ lại màn hình Terminal, có phải bạn chỉ có thể xem và tương tác với một phiên làm việc trong một cửa sổ duy nhất. Với Tmux, bạn có thể thoải mái gắn bao nhiêu cái màn hình lên cửa sổ đó để tiện theo dõi. Chưa hết, nếu tắt đi vào lại, các cửa sổ vẫn còn nguyên để tiếp tục làm việc đang dở mà không phải đi bật lại từng cái một.
Bạn có thể tạo ra rất nhiều phiên, mỗi phiên chứa rất nhiều màn hình Terminal, dễ dàng di chuyển qua lại giữa chúng. Chưa hết, bạn còn có thể chia sẻ nó cho người khác vì Tmux hoạt động theo mô hình client-server. Miễn là client có quyền truy cập vào server là được.
Tmux cũng cung cấp nhiều tuỳ chọn cấu hình nâng cao khác với mục đích cá nhân hoá, giúp bạn tối ưu hoá quy trình làm việc riêng của mình.
Hướng dẫn cài đặt chi tiết tại Installing | tmux Github. Vì dùng Mac nên tôi cài thông qua brew
.
$ brew install tmux
Sau khi cài đặt, để bắt đầu một phiên mới, sử dụng lệnh
$ tmux
Ngay lập tức sẽ thấy một màn hình khác y hệt màn hình cũ, điểm khác biệt duy nhất là dòng kẻ màu xanh lá cây ở phía dưới cùng báo hiệu cho biết đang trong một phiên của tmux. Thử gõ một lệnh gì đó, như whoami
rồi thoát ra bằng tổ hợp phím Ctrl + b
xong bấm phím d
. Dòng màu xanh biến mất, báo hiệu bạn đã thoát ra khỏi phiên tmux, tuy vậy tmux vẫn đang chạy ngầm. Gõ tmux ls
để xem danh sách phiên đang chạy
$ tmux ls
0: 1 windows (created Wed Feb 26 17:13:10 2025)
Để truy cập vào một phiên, gõ tmux attach -t 0
, với 0 là ID của phiên. Ngạc nhiên chưa, bạn vẫn thấy dấu vết của các câu lệnh cũ bởi vì tmux giữ tất cả phiên làm việc cho bạn.
Vậy làm thế nào để thoát (xoá) hẳn một phiên? Có một số cách. Khi đang ở trong phiên, gõ tmux kill-session
hoặc bấm tổ hợp phím Ctrl + d
. Còn ở ngoài phiên, gõ lệnh tmux kill-session -t 0
, với 0 là ID của phiên.
Tiếp theo hãy đến với quản lý cửa sổ. Để tạo mới 1 cửa sổ ở trong 1 session, sử dụng tổ hợp phím Ctrl + b
rồi bấm phím c
. Ngay lập tức bạn sẽ thấy một cửa sổ mới được tạo ra trong phiên, để di chuyển giữa các cửa sổ trong phiên, bấm tổ hợp phím Ctrl + b
rồi bấm p
(previous) hoặc n
(next) tương ứng. Để đóng cửa sổ, gõ exit
.
Tiếp theo phần này mới hay nè. Thay vì tạo mới cửa sổ đè lên cửa sổ khác, hãy mở thêm cửa sổ trong cùng một màn hình. Để chia ngang màn hình, sử dụng tổ hợp phím Ctrl + b
rồi gõ "
, ngay lập tức bạn sẽ thấy 2 cửa sổ nhập. Để chia dọc màn hình, sử dụng tổ hợp phím Ctrl + b
rồi gõ %
. Để di chuyển giữa các màn hình, sử dụng tổ hợp phím Ctrl + b
rồi nhập các phím mũi tên tương ứng. Để đóng bớt một màn hình, Ctrl + b
rồi gõ x
.
Tmux là một công cụ quản lý kết nối kênh đầu cuối rất mạnh mẽ. Bạn có thể tạo ra nhiều phiên và giữ cho chúng hoạt động ngầm. Trên đây chỉ là một số ví dụ giúp bạn hình dung cách sử dụng. Ngoài ra còn rất nhiều lệnh và tính năng mà bạn cần phải tìm hiểu. Hãy tham khảo tài liệu hoặc tham vấn từ chuyên gia GPT nếu cần thiết nhé!
Bạn có dùng tmux không và đang thiết lập hoặc sử dụng nó thế nào? Hãy chia sẻ xuống phần bình luận nhé. Xin cảm ơn.
Tham khảo
5 bài học sâu sắc
Mỗi sản phẩm đi kèm với những câu chuyện. Thành công của người khác là nguồn cảm hứng cho nhiều người theo sau. 5 bài học rút ra được đã thay đổi con người tôi mãi mãi. Còn bạn? Hãy bấm vào ngay!
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới
Bình luận (0)