Khi nhắc đến sách, bạn sẽ liên tưởng đến điều gì đầu tiên? Sách giáo khoa cùng những kiến thức cơ bản? Sách khoa học với nhiều kiến thức mới lạ, hay một cuốn truyện chi chít nét vẽ với một cốt truyện hấp dẫn? Đối với tôi, sách như là một kho tàng kiến thức, mở ra cho mình nhiều điều bổ ích.
Tôi biết có nhiều người tỏ ra "không thoải mái" khi nhắc đến những cuốn sách Self-help. Thuật ngữ Self-help muốn nói về sách với mục đích phát triển bản thân, nếu làm theo, có thể bạn sẽ trở thành con người "tốt đẹp" hơn. Với họ những điều này là quá xa vời và chẳng bao giờ thực hiện được. Họ nói đọc sách Self-help giống như tham gia một lớp đa cấp, nơi bạn có thể đứng lên hô hào vài câu khẩu hiệu rất hăng say, nhưng thực tế ai đó nhìn vào, bạn trông chẳng khác gì một kẻ "lố bịch" và có phần khờ khạo.
Tôi chợt nhớ ra rằng, từ đầu đến giờ mình chưa hề có một bài viết nào nói đến việc đọc sách. Mặc dù trong sở thích có nhắc rất nhiều đến mình là một người thích đọc, hay thi thoảng trong các bài viết, bạn đọc có thể thấy tôi đang "khoe" mình thích đọc. Nếu bạn tò mò rằng tại sao tôi lại hay đọc sách, cơ duyên nào khiến tôi tự nhiên đọc, đọc thể loại gì, đọc như thế nào... thì ngay bây giờ thôi, tôi sẽ rất vui kể lại trải nghiệm với mọi người.
Và nếu bạn là người chưa từng đọc cuốn sách nào (À mà trừ sách giáo khoa hoặc những cuốn sách mà bị bắt buộc phải đọc đi nhé!) thì cũng đừng vội rời đi, vì biết đâu sau khi đọc xong, bình minh sẽ chiếu những tia sáng rực rỡ.
Thôi, không dài dòng nữa...
Cuốn sách đầu tiên mà tôi bắt đầu đọc có tựa đề "Từ IQ đến EQ", nó nói về một khía cạnh khác của trí thông minh có tên gọi là "trí tuệ cảm xúc". Người có chỉ số EQ cao thường rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề dựa trên mối quan hệ, họ coi trọng các mối quan hệ và có cách giải quyết vấn đề phức tạp giữa người với người mà hạn chế làm tổn thương bất kì ai.
Quay trở lại nhiều năm về trước, khoảng hơn 10 năm gì đó, lúc đó tôi còn đang là một cậu học sinh trung học, tập tành sáng tác ra những câu chuyện cười đầu tiên với hy vọng một ngày nào đó chúng được xuất hiện trên các mặt báo. Dĩ nhiên là tôi cũng nhiều dịp khoe với bạn bè và nhờ họ đọc xem truyện của mình có thú vị hay không. Mặc dù rất lâu rồi, tôi không nhớ rõ cảm xúc của họ như thế nào, nhưng chắc là nó khá thú vị vì tôi không nhớ có ký ức buồn. Và tất nhiên, chẳng có câu chuyện nào được đăng cả.
Lớn hơn một chút, tôi tập tành viết các bài hướng dẫn trên mạng, đó cũng là lúc tôi biết đến lập trình trang web đơn giản. Tôi sẽ đi sao chép bài viết của người khác, xào nấu lại, hoặc cũng có lúc tự mình viết ra một bài hướng dẫn người khác thêm một hiệu ứng nào đó trên trang web... đến bây giờ, một số bài viết vẫn còn tồn tại và tôi không buồn đọc lại chúng vì...nó dở đến mức buồn cười.
Vài ba năm trở lại đây, tôi vẫn chưa bao giờ từ bỏ ý định viết, bằng chứng là tôi tạo ra trang blog này để viết. Tiền thân của 2coffee trước đó mang một giao diện và cái tên khác, không được trau chuốt như thế này. Vì lúc đó tôi suy nghĩ rất đơn giản: Có một nơi để viết và chỉ cần tạo ra một trang web đơn giản, tập trung vào con chữ. Nếu chịu khó kéo hết trang web, bạn có thể tìm thấy những bài viết đầu tiên của tôi, nó rất đơn giản đến mức kỳ cục.
Tôi không biết viết! Đó là cảm xúc sau nhiều lần không thể viết được một bài tử tế mang đậm dấu ấn cá nhân. Mặc dù trong đầu mình có hàng tá điều cần nói nhưng một khi đặt tay xuống, nó lại gõ ra những câu chữ quái dị, thà không đọc còn hơn là phải căng não ra hiểu ý mà tôi đang muốn truyền đạt là gì. Có nhiều lúc, nghĩ rằng mình không có khả năng viết thật, có lẽ cách tốt nhất để viết là áp dụng phong cách liệt kê, nghĩa là gạch đầu dòng và viết ngắn gọn nhất có thể, y như phong cách của một lập trình viên đang muốn tiết kiệm dòng.
Nhưng tôi không từ bỏ sở thích hay đam mê của mình, tôi tuyệt vọng cũng là lúc tôi biết mình cần phải làm gì đó. Tôi tìm đến sách vì nghe nói, đọc sách sẽ giúp mình viết hay hơn. Tôi nghi ngờ điều này như thể suy nghĩ của nhiều người về Self-help. Vượt qua định kiến, tôi bắt đầu đọc sách.
Nhưng có một điều lạ là, muốn viết hay hơn, người ta sẽ tìm đến những cuốn sách nghệ thuật hay văn học, với hàng tá biện pháp tu từ cũng như nghệ thuật chơi chữ. Lúc đó tôi nghĩ, mình nên đọc cuốn sách mà mình cảm thấy thích thú với tiêu đề của nó trước, nếu ổn thì sẽ tiếp tục đọc. Và đó cũng là lý do tôi đọc cuốn "Từ IQ đến EQ".
Rất may cuốn sách đó rất dễ đọc, câu từ cuốn hút đến nỗi tôi chỉ mất 2-3 ngày để đọc xong nó. Tôi đọc vào buổi tối, sau khi đi làm về và trước khi chuẩn bị đi ngủ. Giở trang này, lại muốn dở trang tiếp theo, cứ thế tôi như bị cuốn theo dòng chữ, nhiều lúc quên cả giờ giấc, mới đó thôi mà đã nữa đêm và tôi biết mình cần phải đi ngủ nếu muốn mai còn thức dậy đi làm.
Đến bây giờ, mặc dù công việc và gia đình có phần bận rộn hơn, không thể đọc xong một cuốn sách trong vòng 2-3 ngày được nữa, nhưng tôi vẫn duy trì thói quen đọc mỗi ngày và không ngừng tìm kiếm cho mình những đầu sách mới. Tôi gặp gỡ và kết bạn với những người có cùng sở thích, chia sẻ cho nhau những câu chuyện và cả những đầu sách thú vị khác.
Viết là một cuộc hành trình dài, không thể ngày một ngày hai mà tiến bộ một cách rõ rệt. Hành trình học vẫn còn dài phía trước, bằng cách đọc và viết nhiều hơn, hy vọng một ngày nào đó tôi có thể tự tin vào khả năng viết của mình. Bạn đọc cũng đóng vai trò quan trọng trong hành trình này, dưới mỗi bài viết đều có một ô đánh giá, hãy tích cực bấm vào nó để tôi biết bạn có hài lòng về cách viết hoặc cách truyền đạt nội dung hay không.
Đến bây giờ thì tôi đã gặt hái được những thành quả đầu tiên từ việc duy trì thói quen này. Dễ nhận thấy nhất đó chính là khả năng viết. So với thời điểm ban đầu, tôi có thể khẳng định rằng cách của mình giờ đây đã hoàn toàn khác xưa. Bằng chứng là, bạn cứ thử bấm vào liên kết này đi.
Thông qua sách, tôi biết đến nhiều kiến thức mà lâu nay nghĩ rằng mình đã biết. Sách cung cấp nhiều nội dung mà trước đây chưa từng nghe tới. Vẫn là một vấn đề đơn giản thôi nhưng qua cách trình bày và cách thuyết phục người đọc, tôi cảm thấy điều gì đó thật sự đúng đắn. Ví dụ như ai cũng biết lắng nghe người khác là như thế nào nhưng có chắc rằng bạn đang thực sự "lắng nghe" người khác nói!?
Phải nói rằng sách hệ thống hóa kiến thức rất tốt, không đơn thuần chỉ là khái niệm nữa mà người viết sách thường là người có chuyên môn trong lĩnh vực của họ, và bằng cách nào đó phải thuyết phục được người đọc. Đối với tôi, một cuốn sách hay không phải là sách được nhiều người tìm đọc mà chỉ đơn giản là nó thuyết phục được mình.
Từ bây giờ, muốn tìm hiểu chi tiết hơn vào một lĩnh vực nào đó, lựa chọn đầu tiên của tôi là những cuốn sách. Tìm đầu sách muốn đọc, đọc nó, nếu chưa thoả mãn thì tìm tiếp sang cuốn khác. Không phải ai viết sách cũng hay, cũng hợp với tất cả mọi người, cho nên nếu mua phải một cuốn sách mà bạn cho là dở thì hãy tìm cho mình một cuốn khác. Nếu tất cả sách đều hay thì chẳng phải thế giới toàn những con người xuất chúng hay sao?
Và cuối cùng, thể loại sách yêu thích của tôi là tâm lý, lịch sử và triết học. Dạo gần đây tôi đọc thêm cả sách văn học và quả thật, nó rất hay, phải nói rằng những người sử dụng ngòi bút để vẽ ra thế giới trong trí tưởng tượng thật đáng nể. Đó cũng là điều tôi hướng đến.
Trên đây là chia sẻ của tôi về quá trình tìm đến sách, phải nói là trước đó tôi chưa từng nghĩ đến mình sẽ đọc, nhưng lúc tôi tuyệt vọng về khả năng viết của mình thì cũng là lúc tôi như bước vào một thế giới mới. Tôi ước rằng mình được quay lại vài năm trước, cầm trên tay một cuốn sách, đặt khẽ xuống bàn học, bên ngoài vẫn còn dòng ghi chú: "vấn đề của bạn đây!".
Tôi & khao khát "chơi chữ"
Bạn đã thử viết? Và rồi thất bại hoặc chưa ưng ý? Tại 2coffee.dev chúng tôi đã có quãng thời gian chật vật với công việc viết. Đừng nản chí, vì giờ đây chúng tôi đã có cách giúp bạn. Hãy bấm vào để trở thành hội viên ngay!
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới
Bình luận (0)