OpenNotas like a boss - ghi chú như một ông chủ

OpenNotas like a boss - ghi chú như một ông chủ

Tin ngắn hàng ngày dành cho bạn
  • CloudFlare đã giới thiệu tính năng pay per crawl để tính phí cho mỗi lần AI "cào" dữ liệu trên trang web của bạn. Là sao ta 🤔?

    Mục đích của SEO là giúp các công cụ tìm kiếm nhìn thấy trang web. Khi người dùng tìm kiếm nội dung mà có liên quan thì nó hiển thị trang web của bạn ra kết quả tìm kiếm. Điều này gần như là đôi bên cùng có lợi khi Google giúp nhiều người biết đến trang web hơn, còn Google thì được nhiều người dùng hơn.

    Bây giờ cuộc chơi với các AI Agents thì lại khác. AI Agents phải chủ động đi tìm kiếm nguồn thông tin và tiện thể "cào" luôn dữ liệu của bạn về, rồi xào nấu hay làm gì đó mà chúng ta cũng chẳng thể biết được. Vậy đây gần như là cuộc chơi chỉ mang lại lợi ích cho 1 bên 🤔!?

    Nước đi của CloudFlare là bắt AI Agents phải trả tiền cho mỗi lần lấy dữ liệu từ trang web của bạn. Nếu không trả tiền thì tôi không cho ông đọc dữ liệu của tôi. Kiểu vậy. Hãy chờ thêm một thời gian nữa xem sao 🤓.

    » Xem thêm
  • Lúc khái niệm "Vibe Code" bùng nổ mình cũng tò và tìm hiểu xem nó là gì. Hoá ra là chỉ cách lập trình mới: Lập trình viên ra lệnh và để cho LLM tự viết mã. Sau đó là hàng loạt các bài viết nói về cách họ đã xây dựng ứng dụng mà không cần phải viết một dòng mã nào, hoặc 100% là do AI viết...

    Mình không có ý kiến gì vì mỗi người một sở thích. Nhưng nếu tiếp xúc với nhiều thông tin như vậy thì ít nhiều thế hệ lập trình viên mới sẽ "ám ảnh". Khi làm việc với ngôn ngữ lập trình, chúng ta đang tiếp xúc ở bề nổi rồi. Đằng sau đó còn nhiều lớp khác che giấu sự phức tạp. Ví dụ biết viết JavaScript nhưng có biết nó chạy như thế nào không 🤔? Trên thực tế bạn chẳng cần phải biết nó chạy như thế nào mà chỉ cần biết cú pháp là viết được chương trình chạy ngon ơ.

    LLMs giờ đây lại thêm một lớp ảo hoá cho việc viết mã. Tức là nơi chúng ta không cần trực tiếp viết mà là ra lệnh. Làm việc sẽ nhanh hơn nhưng khi gặp vấn đề thì nhiều khả năng phải vận dụng kiến thức của tầng thấp hơn để giải quyết.

    Mình dùng Cursor, nhưng tính năng thích nhất và dùng nhiều nhất là Autocomplete & Suggestions. Thi thoảng cũng dùng Agents để bảo nó viết tiếp đoạn mã đang dở, thường thì nó làm rất tốt. Hoặc khi gặp lỗi thì hỏi, có lúc giải quyết được, lúc thì không. Nhìn chung nó đang làm thay nhiệm vụ của Google & Stack Overflow, giúp tiết kiệm thời gian 😆

    LLMs như một cuốn bách khoa toàn thư rất khủng khiếp. Hỏi gì cũng biết, cũng trả lời được nhưng có một sự thật là nó chỉ là mô hình đoán chữ (đoán tokens). Thế nên nếu vấn đề phổ biến thì nó sẽ làm rất tốt, nhưng vấn đề ít phổ biến hơn thì nó lại rất tệ, hoặc thậm chí là đưa ra thông tin sai lệch, nhiễu... Tóm lại, cần phải biết cách khai thác thông tin, mà để biết thì buộc người dùng phải có một lượng kiến thức nhất định, tránh rơi vào cái bẫy thiên kiến uy quyền (tin tưởng tuyệt đối vào ai đó) hoặc thiên kiến xác nhận (xác nhận niềm tin sẵn có bằng cách chỉ tìm bằng chứng xác nhận niềm tin đó).

    Tại thấy bài viết này nên lại nổi hứng viết vài dòng 🤓 Why I'm Dialing Back My LLM Usage

    » Xem thêm
  • Tiếp tục cập nhật vụ kiện giữa nhóm Deno và Oracle về cái tên JavaScript: Có vẻ như Deno đang yếu thế vì toà án đã bác bỏ đơn khiếu nại của nhóm Deno. Tuy nhiên trong tháng 8, họ (Oracle) phải có trách nhiệm giải trình từng lý do, thừa nhận hoặc phủ nhận những cáo buộc mà nhóm Deno trình ra trong vụ kiện.

    JavaScript™ Trademark Update

    » Xem thêm

Vấn đề

Vậy là đã gần một năm kể từ ngày đầu tiên giới thiệu ứng dụng ghi chú OpenNotas (ON). Thời gian trôi qua nhanh thật đấy, mới hôm qua còn đang hì hục đăng bài giới thiệu sản phẩm trên Facebook, trên X, trên ProductHunt mà chỉ chớp mắt một cái đã thấy email nhắc nhở gia hạn tên miền gửi về 🥲, thật xót xa cho cái ví tiền của mình. OpenNotas là sản phẩm ứng dụng đầu tay nên nhận được nhiều sự ưu ái. Đổi lại, nó luôn luôn đồng hành cùng với tôi trong ngần ấy thời gian.

À nhân tiện, tôi xin được tiết lộ một vài con số thống kê để thấy sự tăng trưởng của ON trong một năm vừa qua. Mà nói tăng trưởng cũng không đúng vì trước đó làm gì có số liệu để mà so sánh. Nhưng không sao, các con số này chỉ mang tính tham khảo, hy vọng nó làm thoả mãn được tính tò mò của bạn đọc, của những người quan tâm đến ứng dụng ghi chú này.

Theo số liệu từ Google Analytics, trong năm vừa qua ON thu được hơn 3000 người dùng, trong đó có gần 500 người dùng ON hơn một lần hoặc cũng có thể coi là dùng thường xuyên. Chà, không biết bạn đọc thấy sao nhưng với tôi các con số này rất ấn tượng. Thị trường ngoài kia có rất nhiều ứng dụng ghi chú mà ON chỉ là một cái tên vô danh, không có kinh phí quảng cáo rầm rộ ấy thế mà vẫn cố vươn tay ra nắm lấy tay những người dùng khó tính, điều đó quả thật đáng trân quý.

Tôi là một trong những người dùng rất tích cực của ON. Bằng chứng là bài viết bạn đang đọc đây được soạn thảo từ nó. Chẳng có nghĩa lý gì khi tác giả mà lại không dùng ứng dụng của mình làm ra chứ? Trừ khi họ không phải là một Indies. OpenNotas xuất phát từ nhu cầu cá nhân, nhưng bên cạnh đó nó vẫn có những điều nổi bật đáng chú ý mà tôi tin rằng không chỉ cho tôi, nó còn có ích cho nhiều người khác. Vì thế ngày hôm nay, với tư cách là một người dùng tận tuỵ của ON, tôi sẽ kể về những lợi ích nó đã và đang giúp tôi trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày như thế nào nhé!

Tại sao lại là OpenNotas?

Rất đơn giản! OpenNotas là một ứng dụng ghi chú đa nền tảng, bảo mật, đồng bộ đa thiết bị và tập trung vào viết.

Có thể bạn đã dùng rất nhiều ứng dụng ghi chú và khi mở nó ra, thay vì đặt tay lên bàn phím ngay thì thứ đập vào mặt là một loạt nút bấm cùng với giao diện kì dị. Bạn sẽ phải học cách cấu hình hoặc cố gắng hiểu xem ngụ ý của tác giả là gì mỗi khi bật ra một dòng thông báo. ON không thế, sau khi mở ứng dụng, chỉ cần một chạm là bạn đã có thể bắt đầu rơi vào những con chữ của chính mình.

Bạn đã bao giờ dùng một laptop Mac, điện thoại Android và một chiếc máy tính để bàn chạy Windows hoặc Linux chưa? Lúc đó ứng dụng ghi chú mà bạn chọn là gì? Apple Notes, One Notes hay... Notepad!? Đúng vậy, ý tôi muốn nói sự phân mảnh môi trường luôn là cơn ác mộng khi các ứng dụng yêu thích chỉ chạy được trên nền tảng này mà không xuất hiện ở nền tảng khác. Điều đó gây ra một trải nghiệm không liền mạch nếu không muốn nói là tồi tệ. ON là một ứng dụng web tân tiến PWA, giúp nó chạy được trên nền web mà vẫn có thể cài đặt vào trong thiết bị. Không những thế, ON có sẵn tính năng đồng bộ hoá dữ liệu giữa các thiết bị mang lại trải nghiệm ghi chú không bị ngắt quãng, không giới hạn.

Cuối cùng, thứ mà ON quan tâm hơn hết là khả năng bảo mật. Dữ liệu nằm hoàn toàn trong thiết bị của bạn trừ khi bật tính năng đồng bộ. Điều đặc biệt là khi bật đồng bộ. Tất cả dữ liệu gửi lên máy chủ đều được mã hoá đầu cuối (E2EE) khi rời khỏi thiết bị. Ngược lại, dữ liệu nhận về phải qua bước giải mã mới đọc được. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Security Methods | OpenNotas.

Ai là đối tượng dùng ON?

Đó là tất cả người dùng đang cần một giải pháp ghi chú đơn giản, đa nền tảng, có khả năng đồng bộ và tập trung vào bảo mật hoặc quyền riêng tư.

Bạn có thể đặt niềm tin vào rất nhiều sản phẩm khác đang có trên thị trường. Họ có tên tuổi, thương hiệu, chi rất nhiều tiền cho quảng cáo, hoặc thậm chí sẵn sàng nguồn mở ứng dụng để bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu. Nhưng đó là một quy trình vận hành phức tạp và chúng ta không thể quan sát được hết những gì xảy ra đằng sau. Với ON, mọi thứ đều minh bạch từ mã nguồn cho đến mọi thông tin được gửi vào/ra khỏi thiết bị của bạn như theo dõi một ứng dụng web thông qua Dev Tools của trình duyệt.

Dùng OpenNotas như một ông chủ

Thực tế tôi dùng OpenNotas rất nhiều trong việc lên ý tưởng bài viết cho blog của mình. Công việc của một người sáng tạo nội dung hẳn là cần nhiều thời gian để viết, tôi viết ra mọi thứ, kể cả những ý tưởng chợt loé lên trong đầu cũng cần được ghi lại để tránh quên mất. Cho dù đang ngồi máy tính hoặc đi ra ngoài, chỉ cần có chiếc điện thoại là đã có thể ghi lại những thứ mình vừa nghĩ ra, về nhà, mở máy tính lên, tiếp tục phần công việc đang dang dở.

Showcase

Phân chia ghi chú thành các thư mục như "Ghi chú cá nhân", "Dành cho blog", "Nháp"... để giúp mình phân loại. Tôi cũng thường xuyên ghi lại các công thức món ăn trên máy tính rồi mở nó ra trên điện thoại xem lúc nấu ăn. Hoặc ghi lại một phương pháp pha chế cà phê mới mà mình vừa đọc ở đâu đó. Có rất nhiều thứ đáng được ghi đấy chứ!

Trong công việc, tôi dùng ON để ghi lại ý chính trong các cuộc họp, sau đó chỉnh sửa rồi gửi lại cho mọi người cùng xem. Đôi khi cần phải viết ra ý tưởng, giải pháp hoặc suy nghĩ về một vấn đề lớn nào đó để cùng nhau thảo luận. Những lúc như thế không cần phải chần chừ gì mà bấm vào biểu tượng mảnh giấy xoắn màu xanh tím ngay lập tức.

Nhiều lúc muốn gửi dữ liệu lớn như JSON hoặc HTML từ điện thoại sang máy tính, trong khi các nền tảng nhắn tin xịn sò tỏ ra bó tay vì không cho gửi vượt quá số lượng ký tự thì ON lại có thể dễ dàng "xơi tái" chúng. Tất cả những gì cần làm là tạo một ghi chú mới rồi "paste" nội dung vào là xong.

ON cũng là nơi lưu trữ rất nhiều câu lệnh Linux mà tôi cho là hữu ích. Với tính năng tìm kiếm, chỉ cần gõ lại vài chữ là đã tìm lại được thứ mình cần.

Cuối cùng, mật khẩu ngân hàng, ứng dụng, private key của nhiều dịch vụ khác cũng được lưu lại trên này. ON có chức năng khoá ghi chú bằng mật khẩu. Dữ liệu khi khoá được mã hoá trong máy và tiếp tục được mã hoá thêm một lớp nữa trước khi lên máy chủ đồng bộ. Nếu vẫn còn chưa yên tâm, bạn có thể áp dụng thêm cách lưu mật khẩu khá là độc đáo giống tôi như thay vì viết ra toàn bộ mật khẩu thì tôi chỉ viết 1-2 ký tự đầu kèm 1-2 ký tự cuối. Như kiểu "So*******&", với số * đúng bằng độ dài của mật khẩu cho dễ suy luận 😆.

Tương lai của ON

ON vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển. Gần một năm vừa qua ON đã liên tục cho ra các bản cập nhật để sửa lỗi và mang đến một số tính năng hữu ích hơn cho người dùng. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều thứ có thể phát triển thêm, vấn đề chỉ là thời gian.

ON sẽ tiếp tục nhận thêm các bản cập nhật trong tương lai, tập trung vào sửa lỗi cũng như nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Bạn nghĩ sao về OpenNotas? Bạn có cần một ứng dụng ghi chú mới không? Có điều gì mà nó chưa đáp ứng được cho bạn hay không? Hãy để suy nghĩ để tôi và mọi người cùng biết nhé. Xin cảm ơn!

Cao cấp
Hello

5 bài học sâu sắc

Mỗi sản phẩm đi kèm với những câu chuyện. Thành công của người khác là nguồn cảm hứng cho nhiều người theo sau. 5 bài học rút ra được đã thay đổi con người tôi mãi mãi. Còn bạn? Hãy bấm vào ngay!

Mỗi sản phẩm đi kèm với những câu chuyện. Thành công của người khác là nguồn cảm hứng cho nhiều người theo sau. 5 bài học rút ra được đã thay đổi con người tôi mãi mãi. Còn bạn? Hãy bấm vào ngay!

Xem tất cả

Đăng ký nhận thông báo bài viết mới

hoặc
* Bản tin tổng hợp được gửi mỗi 1-2 tuần, huỷ bất cứ lúc nào.

Bình luận (0)

Nội dung bình luận...