Đã bao giờ bạn rơi vào tình thế tranh cãi quyết liệt với đồng nghiệp về một vấn đề nào đó trong công việc? Ai cũng có lý lẽ của riêng mình, ai cũng cho rằng mình đúng và không ai nhường ai. Sẽ chẳng có gì nếu sau những cuộc tranh cãi họ tìm ra được tiếng nói chung. Bởi vì mục đích cuối cùng là phải tìm ra được hướng giải quyết. Còn tệ hơn thì câu chuyện kết thúc trong sự bức bối của cả hai mà không hề có phương án nào được đưa ra. Thậm chí nếu việc này cứ tiếp diễn thì sẽ có nguy cơ tạo nên định kiến về nhau, và chắc chắn đây là một điều không nên.
Có thể bạn chưa bao giờ rơi vào tình huống như trên, nhưng chí ít, bạn đã từng bắt gặp điều này ở đâu đó. Hãy nhớ lại xem kết quả của những cuộc cãi vã này là gì? Và nếu là bạn - một người ngoài cuộc có bao giờ suy nghĩ tại sao họ không bình tĩnh ngồi xuống để nói chuyện một cách từ tốn với nhau, cùng nhau giải quyết vấn đề? Hay nếu chẳng may, chính bạn là nhân vật chính trong câu chuyện đó thì bạn sẽ xử lý như thế nào?
Thực tế đã có nhiều bài viết, nghiên cứu nói về tác hại của việc mất kiểm soát trong cơn nóng giận. Khi chúng ta càng mất bình tĩnh, khả năng lý lẽ và tư duy logic sa sút, thay vào đó là dù vô tình hay cố ý cũng có khả năng nói ra những lời làm tổn thương đối phương.
Lúc đọc bài viết này khả năng cao bạn đang ở trạng thái bình thường của cảm xúc vì thế bạn sẵn sàng đọc tiếp bài viết. Vậy thì tại sao không giữ một cái đầu lạnh để luôn sẵn sàng lắng nghe đồng nghiệp?
Lắng nghe là một trong những kĩ năng của người có trí tuệ cảm xúc (EQ). Trí tuệ cảm xúc thể hiện qua việc bạn vận dụng được chỉ số cảm xúc của bản thân để xử lý tình huống trong thực tế, từ đó bảo vệ mục tiêu cuối cùng của mỗi người. Mục tiêu có thể là giải quyết được vấn đề, khiến mọi người đồng thuận mà không bị cảm thấy ấm ức, tổn thương. Vì vậy nếu bạn biết cách lắng nghe thể hiện việc bạn biết cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Có nhiều sự việc dẫn đến xung đột trong công việc. Bỏ qua những yếu tố chủ quan như là không thích đối phương, thiên vị... thì đa phần lại xuất phát từ việc không hiểu ý của nhau. Mà không hiểu ý nhau thì hầu như là chưa nghe họ nói hết thì đã trả lời. Hay chỉ nghe những điều muốn nghe rồi nhanh chóng phản bác lại, mặc kệ đối phương đang cố truyền đạt điều gì.
"Người nói phải có kẻ nghe" không tự nhiên sinh ra. Bản thân ngôn ngữ đã là một sự tiến hóa phức tạp, kèm theo ngữ cảnh của lời nói sẽ tạo nên vô vàn thông điệp khác nhau. Vì thế, nếu không hiểu ý của nhau cũng là một điều hết sức bình thường, nhưng không vì thế mà phải chịu thua. Mục đích cuối cùng của giao tiếp là để truyền đạt thông điệp, hiểu ý của nhau, từ đó tiến đến một hành động nhất quán. Thật tệ khi kết quả cuối cùng của giao tiếp là không tìm ra được tiếng nói chung.
Thay vì vội vàng ngắt lời hay đưa ra ngay quan điểm của mình trong khi người khác đang nói thì hãy lắng nghe xem thực chất họ đang muốn truyền đạt điều gì. Hãy xem họ nói có rõ ràng và dễ hiểu, và nếu chưa hiểu ở đâu bạn có thể hỏi lại ngay lập tức. Việc lắng nghe cũng nhận ra được sai lầm hay mâu thuẫn trong lời họ nói, từ đó tiến tới một cuộc giao tiếp hiệu quả hơn.
Cảm xúc phần nào có liên quan nhiều đến khả năng lắng nghe. Ví dụ nếu bạn đang trong một trạng thái tức giận hoặc vui vẻ, hãy tưởng tượng xem trường hợp nào sẽ khiến bạn mong muốn lắng nghe người khác hơn? Trong công việc, tôi nghĩ không nên để cảm xúc lấn át quá mức. Ví dụ bạn và đồng nghiệp có thể tranh cãi rất quyết liệt, về cơ bản điều đó hoàn toàn bình thường để đạt được mục đích cuối cùng là đưa ra giải pháp. Nhưng công việc là công việc, chúng ta hãy là bạn tốt của nhau ngoài xã hội.
Nếu bạn là người biết cách lắng nghe, tôi tin chắc rằng bạn sẽ hiếm khi phải nổi cơn lôi đình khi tranh cãi với người khác. Bởi bạn biết một khi đã nóng giận thì cảm xúc sẽ chi phối lý trí. Các cụ ngày xưa có câu "cả giận mất khôn" không phải là không có lý. Cảm xúc lấn át, vô tình buông ra những lời chưa kịp suy nghĩ thấu đáo, có thể làm tổn thương người khác. Vậy, tại sao không điềm tĩnh lắng nghe người nói rồi trả lời bằng lý trí?
Nếu đối phương chẳng may có nóng giận, hãy dùng sự bình tĩnh của mình để lắng nghe và chỉ ra những lập luận sai lầm của họ, đồng thời đưa ra chính kiến của mình. Cái tôi của mỗi người nhiều khi khiến họ không chấp nhận rằng họ sai. Nhưng nếu bạn lắng nghe và chỉ ra được điểm yếu trong lời nói thì họ sẽ phần nào nhận ra sai lầm và cảm phục bạn hơn.
Trước đây tôi từng có thói quen ngắt lời người khác, tôi nghĩ rằng họ nói vấn đề tôi đã biết vì thế tôi vội vàng đáp lại ngay lập tức. Nhưng điều đó đa phần mang lại nhiều phiền phức bởi vì sự thật không phải vậy, đồng nghiệp của tôi luôn là nguồn cảm hứng vì họ có cách nhìn nhận vấn đề theo một cách riêng, và lắng nghe giúp tôi sẽ nhận ra điều đó. Thi thoảng trong đầu tôi cảm thán: "Ồ, hóa ra anh ấy đang suy nghĩ như thế này...". Nhờ đó tôi còn học hỏi được thêm nhiều điều từ đồng nghiệp.
Học được cách lắng nghe không khó, cũng không phải là đơn giản. Nó phụ thuộc rất nhiều vào bạn. Nếu nhìn ra được điểm yếu của mình và nhận thấy được lợi ích của việc lắng nghe mà không quyết tâm thay đổi thì không ai có thể giúp bạn được nữa.
Trước tiên hãy chú ý lắng nghe người khác nói hết câu rồi mới trả lời, tránh ngắt lời trong khi họ đang nói. Điều này vừa thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với họ, vừa khiến họ muốn truyền đạt thông tin với bạn hơn. Từ đó đẩy nhanh quá trình trao đổi thông tin và thấu hiểu nhau hơn.
Mấu chốt của lắng nghe còn nằm ở sự tập trung. Rõ ràng bạn không thể nghe nếu như trong đầu đang suy nghĩ một chuyện khác. Trong khi trò chuyện, nếu bất giác bật ra câu hỏi "anh/chị vừa nói gì cơ?", "hả"... phá vỡ mạch truyền tải của đối phương, có thể khiến họ cảm thấy khó chịu hoặc không muốn truyền đạt thêm thông tin nữa.
Trong lúc nghe, đừng cố gắng chèn suy nghĩ phản biện vào câu nói của đối phương. Lắng nghe một cách trọn vẹn để hiểu được ý truyền đạt. Thế nào là trọn vẹn? Đó là lúc bạn "nuốt" từng câu chữ của họ vào đầu và không suy nghĩ về một điều gì khác ngoài câu nói. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng não người chỉ tập trung làm tốt một việc tại một thời điểm. Nếu đa nhiệm, bạn dễ bị sao nhãng, từ đó giảm khả năng tiếp nhận thông tin một cách trọn vẹn.
Sau khi đã lắng nghe, hãy dành thời gian suy nghĩ rồi đưa ra câu trả lời của bạn. Điều này thể hiện sự hợp tác với đối phương, vì bạn đã lắng nghe và đang trong quá trình suy nghĩ để đưa ra câu trả lời. Hành động suy nghĩ trước khi trả lời giúp đưa ra câu trả lời mang tính thuyết phục nhiều hơn.
Lặp đi lặp lại các bước trên, dần dần bạn sẽ hình thành được thói quen lắng nghe. Lúc này lắng nghe trở thành một phản xạ tự nhiên có điều kiện mỗi khi giao tiếp. Từ đó mang đến hiệu quả không ngờ cho bạn và cả đồng nghiệp đấy.
Tôi & khao khát "chơi chữ"
Bạn đã thử viết? Và rồi thất bại hoặc chưa ưng ý? Tại 2coffee.dev chúng tôi đã có quãng thời gian chật vật với công việc viết. Đừng nản chí, vì giờ đây chúng tôi đã có cách giúp bạn. Hãy bấm vào để trở thành hội viên ngay!
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới
Bình luận (1)