Blog, hay những bài viết chia sẻ kiến thức trên các web cá nhân, mạng xã hội, diễn đàn... ngày càng trở nên phổ biến. Một phần vì số lượng người tham gia viết tăng lên, phần còn lại là lượng người đọc cũng tăng lên. Sở dĩ nhiều người thích đọc blog theo tôi nghĩ vì tính thời sự của nó: ngắn gọn và luôn cập nhật công nghệ. Nhiều khi chỉ cần đọc một bài viết là có thể giải quyết được ngay vấn đề thay vì phải mò mẫm trên trang tài liệu.
Ở một khía cạnh khác, đọc các bài viết như vậy đôi khi mang lại rủi ro nhất định, buộc bạn phải có một cái đầu "lạnh" trong khi nghiền ngẫm. Bài viết ngày hôm nay là quan điểm của tôi về việc tại sao đọc blog cần phải tỉnh táo? Qua đó, đặt một vấn đề: liệu bạn có nên đọc blog của tôi hay là không!
Điều cần lưu ý đầu tiên có lẽ là tính xác thực. Hầu hết các bài viết đều xuất phát từ cá nhân, dù nhằm mục đích gì đi chăng nữa thì rõ ràng lượng kiến thức đó xuất phát từ một phía và bạn khó có thể xác định được tính đúng đắn. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả bài viết đều không chính xác, mà tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng hầu hết đều mang quan điểm cá nhân của tác giả viết ra. Nếu quen biết với tác giả hoặc tác giả là người có tên tuổi trong lĩnh vực viết, bạn có niềm tin để dựa vào và ngược lại.
Hầu như lượng kiến thức trong một bài viết là chưa đủ. Tức là đang so với tài liệu của kiến thức được nhắc tới trong bài. Thông thường, các bài viết sẽ nhằm mục đích giới thiệu, hay là hướng dẫn sử dụng cơ bản - nâng cao, cách thiết lập, cách sửa lỗi... Dạng bài viết này tương đối ngắn giúp cho bạn đọc nhanh chóng nắm bắt được thông tin. Nhưng lại gây ra cảm giác lười, không muốn tìm hiểu kĩ hơn hoặc ngỡ rằng mình biết hết về công nghệ, nhưng thực tế lượng kiến thức đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Chính vì thế, nếu có thời gian bạn đọc nên tìm hiểu thêm về kiến thức có nhắc đến trong bài thông qua các bài khác hoặc trên chính trang chủ của nó.
Có thể bạn không tin nhưng nếu "nghiện" đọc blog khiến bạn tiêu tốn khá nhiều thời gian. Thời gian để đọc một bài viết trung bình từ vài phút đến cả nửa tiếng, nếu dành thời gian đọc thêm bài viết được "suggest" hoặc đi xác định tính đúng đắn của nó nữa thì còn mất nhiều thời gian hơn. Nghiện đọc blog cũng khá giống như nghiện mạng xã hội, luôn luôn mong muốn đón đọc bài mới, thi thoảng lại mở ra để xem có gì mới, điều đó vô tình cản trở đến khả năng tập trung của bạn. Tóm lại hãy sắp xếp thời gian sao cho hợp lý, tránh để việc đọc ảnh hưởng đến công việc hoặc cuộc sống.
Khi đọc blog, thay vì tin ngay thì hãy tỏ ra ngờ vực về những gì trong bài viết. Hãy nhớ không ai kiểm chứng được tính đúng đắn của nó ngoài bạn. Bài viết nào mà có thêm tài liệu tham chiếu - tham khảo thì độ "uy tín" tăng thêm một chút. Nhưng cũng nên đọc thêm tham chiếu để xem tác giả có hiểu đúng ý của nó hay không.
Đọc blog nhiều khi là để khám phá "keyword", từ keyword đó để chúng ta khám phá ra lượng kiến thức mới. Ví dụ nhiều khi tôi đọc một bài viết vì tò mò tiêu đề bài viết có nhắc đến một công cụ mới hoặc là một điều mới mẻ nào đó. Tôi đọc để xem tác giả đang muốn nhắc đến điều gì, nếu cảm thấy thích thú về chủ đề đó thì sẽ tìm hiểu sâu hơn. Nhiều khi từ một bài viết mà lại mở ra được một con đường học tập mới.
Rèn cho mình tư duy phản biện khi đọc một bài viết nào đó. Hãy thử nghĩ rằng bài viết đó là không đúng rồi tìm cách chứng minh điều đó. Trong quá trình này bạn sẽ tìm hiểu thêm được nhiều kiến thức liên quan đến vấn đề đó.
Đừng quá tin tưởng vào những điều mà tác giả nói, không phải cứ nhiều kinh nghiệm hơn mình thì họ nói gì cũng đúng. Đôi khi những điều họ nói ra là từ một người khác truyền lại hoặc chỉ mang tính quan điểm mà khó có thể chứng minh được liệu nó có đúng hay không. Đối với tôi, đọc blog chỉ đơn giản là tìm "từ khóa" rồi từ đó chứng minh điều đó là đúng hay là sai.
Cuối cùng, tài liệu đáng tin nhất vẫn là những đặc tả kỹ thuật hoặc là trang tài liệu chính thức của công cụ. Nếu có điều kiện, bạn đọc nên dành thời gian để đi một vòng trang tài liệu của nó.
Blog của tôi là tập hợp các ghi chép về kinh nghiệm thực tế trong công việc và cuộc sống, nhiều bài mang quan điểm cá nhân, số còn lại là bản dịch hoặc bản tóm tắt dựa trên tài liệu, được tôi ghi chép và biên soạn lại sao cho mọi người tiếp cận được dễ dàng hơn. Đối tượng mà tôi nhắm đến là những bạn lập trình viên đã có kinh nghiệm lập trình và đang trên đường tìm hiểu điều mới mẻ. Không dừng lại ở đó, tôi không muốn mang nặng tính kỹ thuật vào trong mỗi bài viết để dễ dàng tiếp cận được với nhiều người, nhiều nhánh trong ngành IT hơn. Bởi đối với tôi, lập trình viên không chỉ biết code.
Bên cạnh đó, không chỉ viết về lập trình mà còn mong muốn truyền cảm hứng cho bạn đọc. Nghề nào cũng có nỗi khổ riêng, đôi khi thứ bạn cần không phải là kiến thức chuyên môn mà đơn giản chỉ là bài viết "phù hợp". Đọc phải những bài viết như thế như "gãi đúng chỗ ngứa", ví dụ như ông này hay viết ra bài câu chữ dễ đọc mình nên mình đọc. Đơn giản thế thôi :D.
Mỗi bài viết ra, tôi không nhằm mục đích cung cấp chính xác tuyệt đối thông tin mà thường khuyến khích bạn đọc tìm hiểu sâu hơn thông qua các "keyword" trong bài. Chỗ nào đính kèm được khái niệm thì xin phép đính, tham khảo tài liệu từ đâu thì cũng xin phép được thêm vào cho bạn đọc biết. Nhiều khi viết bài cũng sợ sai lắm chứ, vì kiến thức là vô tận mà, nên nếu bạn đọc phát hiện sai sót trong bất kì bài nào thì xin thẳng tay mà mách bảo. Tôi đây luôn sẵn sàng lắng nghe!
Blog như một gói snack với nhiều hương vị phong phú và ngon miệng, nhưng lại nhanh hết và đôi khi còn gây ra một số vấn đề về sức khỏe. Đọc blog giống như ăn một gói snack, bạn sẽ nhanh chóng cảm nhận được vị ngon nhưng thường sẽ không lâu và không no, vì thế hãy "tỉnh táo" khi thưởng thức nhé.
Tôi & khao khát "chơi chữ"
Bạn đã thử viết? Và rồi thất bại hoặc chưa ưng ý? Tại 2coffee.dev chúng tôi đã có quãng thời gian chật vật với công việc viết. Đừng nản chí, vì giờ đây chúng tôi đã có cách giúp bạn. Hãy bấm vào để trở thành hội viên ngay!
Đăng ký nhận thông báo bài viết mới
Bình luận (0)